Một số thuốc ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp

Một số thuốc ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp

Quá trình tổng hợp, bài tiết, vận chuyển trong máu và chuyển hóa của hormon tuyến giáp rất dễ bị tác động bởi sự tương tác giữa các loại thuốc. Do đó, rất nhiều loại thuốc, kể cả những thuốc không dùng trong điều trị các bệnh lý tuyến giáp, cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tuyến giáp hoặc kết quả của các xét nghiệm chức năng tuyến giáp, nhất là ở những người đã có bệnh tuyến giáp từ trước.

Những thuốc gây suy giáp: 

Lithium (một loại thuốc chống trầm cảm) có thể gây cản trở quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp và do đó làm giảm sự bài tiết của các hormon này. Sử dụng lithium kéo dài có thể gây bướu giáp ở 50% số bệnh nhân, suy giáp tiềm tàng ở 20% và suy giáp thực sự ở 20% số người sử dụng. Nhiều bệnh nhân được điều trị với muối lithium có các kháng thể kháng giáp trạng trong máu, các kháng thể này có thể đã xuất hiện từ trước khi dùng thuốc hoặc do lithium gây ra. Kháng thể kháng giáp trạng có thể là một trong những nguyên nhân gây tổn thương tuyến giáp vì tỷ lệ suy giáp tiềm tàng ở những người có các kháng thể này là 50% nhưng ở những người không có kháng thể chỉ là 15%.

Các loại thuốc có chứa iốt như các thuốc cản quang dùng trong chụp mạch hoặc chụp cắt lớp có thể gây suy giáp thoáng qua ở những người có tuyến giáp bình thường, nhưng ở những người có viêm tuyến giáp tự miễn, đang điều trị iốt phóng xạ, sau cắt bán phần tuyến giáp hoặc có các bệnh lý khác ở tuyến giáp, các thuốc này có thể gây suy giáp kéo dài.

Amiodarone, một loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim hiện đang được sử dụng rất rộng rãi, có thể gây ra cả biểu hiện cường giáp và suy giáp nhưng tỷ lệ suy giáp cao hơn 2 – 4 lần. Những  bệnh nhân bị suy giáp do amiodarone nhưng vẫn bắt buộc phải dùng loại thuốc này cần được điều trị bổ sung hormon tuyến giáp.

Interferon, loại sinh phẩm thường được dùng trong điều trị viêm gan, bệnh xơ cứng rải rác và một số bệnh ác tính cũng có thể gây ra suy giáp mức độ nhẹ ở khoảng 4% số người sử dụng. Suy giáp do interferon thường xảy ra khi dùng kéo dài hoặc ở những người có bệnh tuyến giáp từ trước và tự hồi phục ở khoảng 60% số bệnh nhân sau khi ngưng dùng thuốc. Một số loại thuốc khác như aminoglutethimide, tolbutamide và sulfonamide cũng được ghi nhận gây suy giáp trong một số trường hợp khi dùng kéo dài.

Những thuốc gây cường giáp: Iốt và các thuốc có chứa iốt cũng có thể gây cường giáp ở bệnh nhân có chức năng tuyến giáp bình thường nhưng có bất thường về cấu trúc như bướu giáp đa nhân hoặc u lành tính tuyến giáp. Cường giáp ở những bệnh nhân này có thể xuất hiện sau dùng thuốc 3 – 8 tuần và có thể kéo dài vài tháng sau khi ngừng thuốc. Amiodarone cũng có thể gây viêm tuyến giáp cấp tính dẫn đến cường giáp trong một số trường hợp. Những trường hợp này nên ngưng sử dụng amiodarone, phối hợp thêm các thuốc kháng giáp trạng và corticosteroid. Interferon cũng được ghi nhận gây cường giáp ở khoảng 2,3% số người sử dụng.