Chàm thể tạng (còn gọi viêm da thể tạng, viêm da cơ địa) là bệnh viêm da mạn tính, không lây, thường xảy ra trên cơ địa đặc biệt, có tiền sử bản thân hay gia đình bị suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hay viêm da thể tạng. Bệnh thường khởi phát ở tuổi nhũ nhi hay trẻ nhỏ, có đặc tính ngứa tái phát nhiều lần, với sang thường da phân bố điển hình.
>> Thủ phạm gây chàm thể tạng trẻ em
>> Hạn chế bệnh chàm ở trẻ
Chàm thể tạng xảy ra do kết quả của các yếu tố bất lợi môi trường tác động lên các gen đặc biệt sẵn có, ảnh hưởng lên các đáp ứng miễn dịch, chủ yếu thông qua hoạt động các tế bào miễn dịch Lympho T, trong đó vai trò các hóa chất trung gian tế bào cytokines đóng vai trò trung tâm trong bệnh sinh của bệnh.
Yếu tố làm bệnh nặng thêm
– Các dị ứng nguyên (thức ăn, không khí, thú nuôi…).
– Các chất kích ứng như: xà bông, bột giặt, thuốc tẩy, vải len, khói thuốc…
– Khí hậu nóng quá, lạnh quá, hay khô quá.
– Nhiễm trùng: thường gặp nhiễm tụ cầu vàng, u mềm lây…
– Da khô do tắm rửa lâu, nhiều lần.
– Thay đổi nội tiết, nhất là trong thai kỳ, kinh nguyệt.
– Sang chấn tâm lý.
Chẩn đoán dựa vào gì?
Có từ 3 tiêu chuẩn chính trở lên:
– Ngứa.
– Phân bố và hình dạng sang thương điển hình.
– Lichen hóa ở mặt gấp của chi ở trẻ trưởng thành.
– Phân bố ở mặt và vùng duỗi của chi ở nhũ nhi và trẻ em.
– Viêm da mạn tính tái đi, tái lại nhiều lần.
– Tiền sử bản thân hay gia đình có thể tạng đặc biệt của suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm thể tạng.
Và ít nhất 3 tiêu chuẩn phụ:
– Đục thủy tinh thể (vùng trước
– dưới vỏ)
– Viêm môi.
– Viêm kết mạc tái đi tái lại.
– Chàm nang lông.
– Mặt đỏ hay xanh tái.
– Không dung nạp một số thức ăn.
– Viêm da tiếp xúc ở bàn tay hay bàn chân.
– Da vảy cá.
– Dày sừng nang lông.
– Tăng IgE.
– Test da dị ứng tức thì (+).
– Nhiễm trùng da do tụ cầu vàng, hay herpes simplex.
– Nếp gấp dưới mắt.
– Ngứa khi tiết mồ hôi.
– Giác mạc hình chóp.
– Viêm da núm vú.
– Quầng thâm quanh mắt.
– Chỉ sâu ở lòng bàn tay.
– Vảy phấn trắng.
– Da vẽ nổi trắng.
– Không dung nạp với đồ len.
– Khô da.
Các giai đoạn của bệnh
Có 3 giai đoạn:
– Cấp tính: nổi hồng ban, mụn nước, bóng nước, rỉ dịch, đóng mày, ngứa dữ dội
– Mạn tính: dát, mảng da dày, khô, ráp và tróc vảy, với nhiều rãnh ngang- dọc, kèm theo thay đổi sắc tố da sau viêm.
– Bán cấp: sang thương trung gian giữa giai đoạn cấp và mạn tính.
Bệnh biểu hiện ở các lứa tuổi
Thường các lớp tuổi khác nhau, bệnh biểu hiện khác nhau.
Nhũ nhi từ 2 tháng – 2 tuổi: thường sang thương da cấp tính với sẩn, mảng hồng ban có mụn nước, bóng nước rỉ dịch, đóng mày. Vị trí thường ở 2 má, cằm, da đầu, trán và mặt duỗi cánh tay, khuỷu, đầu gối, và nếu nặng có thể lan tỏa toàn thân.
Trẻ từ 2 – 10 tuổi: thường mảng da khô ráp, rỉ dịch, đóng vảy và dày da. Thường ở vùng gấp cơ thể như: mặt trước khuỷu, hố kheo, cổ tay, cổ chân.
Trẻ lớn (> 10 tuổi): sang thương da mạn tính với da dày, khô, nhám, nhiều rãnh ngang – dọc như da trâu, tăng sắc tố da. Vị trí thường ở vùng gấp, bàn tay, bàn chân, mặt, cổ, quanh mắt và một số bệnh nặng gây đỏ da toàn thân.
Ảnh hưởng của bệnh
– Bệnh hay tái phát nhiều lần, ngứa rất nhiều, gây ảnh hưởng học tập, sinh hoạt, tâm lý và chất lượng cuộc sống.
– Nhiễm trùng da thứ phát, thường gặp chốc hóa do tụ cầu vàng và nguy hiểm nhất là nhiễm virus Herpes nguyên phát gây viêm da mụn mủ dạng thủy đậu, có thể nguy hiểm tính mạng.
– Tai biến do dùng corticoid không thích hợp và kéo dài như: rạn – nứt da, teo mỏng da, phát ban mụn trứng cá, hay tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và nặng hơn là các tác dụng phụ toàn thân: viêm loét đường tiêu hóa, tăng huyết áp, tăng đường huyết, chậm phát triển, hội chứng Cushing…
ThS.BS. NGUYỄN ĐÌNH HUẤN