Bướu cổ

Bướu cổ

A- Đại Cương
Bướu cổ đơn thuần là một bệnh to tuyến giáp thường do thiếu iot, hay gặp ở một số vùng nhất định (thường ở miền núi) nên còn gọi là bướu cổ địa phương, nữ mắc bệnh nhiều. Có khi là bướu cổ tán phát. Trong một số trường hợp, bướu cổ là phản ứng của tuyến giáp đối với sự mất cân bằng của nội tiết tuyến giáp.
Bướu cổ đơn thuần thường chia làm 2 loại: địa phương tính (tập trung ở một số vùng nhiều người mắc) và tản phát tính (nơi nào cũng có người mắc, thường gặp nhiều ở lứa tuổỉ trưởng thành, lúc có thai, cho con bú và thời kỳ tắt kinh.
Bướu cổ đơn thuần thuộc chứng “Anh” trong y học cổ truyền. Y văn cổ Trung Quốc trên 300 năm trước công nguyên đã có ghi về bệnh này như sách “Trửu Hậu Phương” đầu tiên đã ghi dùng Hải tảo (có iốt) để trị chứng ‘Anh’. Sách “Ngoại Đài Bí Yếu” đời Đường ghi 36 bài thuốc trị chứng ‘Anh” trong đó 27 bài gồm các vị thuốc có chất iốt.


B- Nguyên Nhân Bệnh Lý Theo Y Học Cổ Truyền
+ Bướu cổ địa phương: Do thiếu iốt. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như di truyền, thiếu một số thức ăn khác, điều kiện vệ sinh kém… nên tuy cùng sống một địa phương mà cũng chỉ một số mắc bệnh (mặc dù qua kiểm tra tất cả người dân trong vùng đều có tuyến giáp khát iốt (gắn iốt phóng xạ tăng).
+ Bướu cổ tán phát: gặp ở nữ nhiều hơn. Nhiều học giả cho là do phản ứng của tuyến giáp, hoặc bài tiết không đủ, hoặc do nhu cầu tăng, nội tiết tuyến giáp không dủ, tuyến làm việc tăng (phản ứng bù trừ) làm cho tổ chức tuyến tăng sinh phì đại. Những yếu tố có liên quan:
* Dị hình bẩm sinh nội tiết: hấp thụ các yếu tố kháng giáp có trong thức ăn hoặc do thuốc. Thường kèm với suy giáp kéo dài hoặc thoáng qua.
* Tăng nhu cầu nội tiết giáp: tuổi dậy thì, có thai, tắt kinh. Cũng có trường hợp chưa rõ nguyên nhân. Y học cổ truyền cho rằng bệnh ANH phát sinh là do liên quan với đất nước nơi ăn ở và tình chí (trạng thái tinh thần) thay đổi. Sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’ viết: “Vùng núi đất đen có nguồn nước chảy ra không thể sống lâu ở đó, ăn uống nước đó dễ mắc bệnh “anh”.
Sách ‘Ngoại Đài Bí Yếu’ cũng ghi: “Người vùng Trường An… uống nước cát dễ mắc bệnh anh”.
Sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’ ghi về tình chí có liên quan đến bệnh như sau: “Bệnh “anh” là do lo lắng nhiều, khí kết mà sinh ra”..
Bệnh lý chủ yếu là đàm thấp, khí trệ: Người bệnh có tỳ khí kém, thêm ảnh hưởng của thức ăn nước uống làm cho đàm thấp nội sinh, đàm thấp sinh nhiều càng tăng thêm khí trệ mà sinh bệnh. Hoặc do tức giận, thướng can, can khí không thông đạt, uất nên sinh đờm, đờm khí kết ở cổ mà sinh bệnh. Đàm thấp và khí trệ là hổ tương nhân quả cho nên khối u ngày càng to thêm. Cũng do can chủ sơ tiết, mà 2 mạch Xung, Nhâm liên hệ nhiều với kinh can, do đó, phụ nữ có kinh, thai nghén cho con bú đều liên quan đến khí huyết của can, những lúc đó dễ mắc bệnh.

C- Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng chủ yếu là to tuyến giáp.
Thể tán phát gặp nhiều ở nữ ở tuổi dậy thì, có thai, cho con bú, lúc tắt kinh thường to hơn và qua những kỳ đó tuyến lại nhỏ hơn. Thường tuyến giáp to nhẹ tản mạn, chất mềm và trơn láng. Đến tuổi trung niên về sau, bướu có thể cứng và có nốt cục.
Bướu cổ địa phương tính to nhỏ không chừng (rất nhỏ hoặc rất to). Theo độ to nhỏ có thể chia:
Độ l: Nhìn kỹ có khi phải nhìn nghiêng mới phát hiện hoặc phải sờ nắn.
Độ 2: Nhìn thẳng đã thấy to.
Độ 3: Bướu quá to.
Đôi khi bướu ở vị trí đặc biệt hoặc bị chèn ép khó chẩn đoán.
Bướu giáp chìm: Bướu ở cổ nhưng trong lồng ngực sau xương ức. Bướu làm khó chịu mỗi khi nuốt và thở. Bướu trong lồng ngực, X quang thấy như một u trung thất.
Bướu dưới lưỡi: Gặp ở phụ nữ, ở đáy lưỡi làm cho khó nhai, khó nuốt và khó nói.
Bướu cổ mới bắt đầu nhỏ mặt bóng nhẵn, về sau có thể to nhỏ không chừng, cứng thành cục hoặc nang, bề mặt có thể có tĩnh mạch nổi còng quèo. Trường hợp quá to sẽ có hiện tượng chèn ép như nếu chèn ép khí quản sinh ho, khó thở, vướng cổ, chèn ép thực quản thì nuốt khó, chèn hầu họng thì khàn giọng… Có khi xuất huyết trong nang gây đau và bướu to đột ngột.


D- Chẩn đoán
Chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng (như trên đã mô tả).
– Xét nghiệm: Chuyển hóa cơ bản bình thường, iốt – protein trong huyết tương bình thường. Tỷ suất gắn iốt phóng xạ rất tăng trong bướu giáp địa phương tính nhưng gần như bình thường trong bướu giáp tản phát.
Khi thấy bướu cứng không đau có nhân, cần cảnh giác ung thư, nên làm giáp đồ bằng phóng xạ và làm sinh thiết.

Ykhoanet