Làm sao giải quyết được những bất cập về xét nghiệm y khoa hiện nay?

Làm sao giải quyết được những bất cập về xét nghiệm y khoa hiện nay?

 

(Dân trí) – Là một người công tác trong ngành y hơn 50 năm, tôi thấy lĩnh vực xét nghiệm y khoa đã phát triển rất nhanh, mạnh so với khi tôi học ở Đại học Y cách đây hơn 60 năm, góp phần rất quan trọng cho việc chẩn đoán và dự phòng bệnh tật. 

Khoa học, kỹ thuật và công nghệ xét nghiệm đã có những mũi nhọn hiện đại, từ kỹ thuật sinh học phân tử, công nghệ tin – sinh học, công nghệ nano, đến chẩn đoán gen, chẩn đoán ung thư, chẩn đoán trước sinh v.v… Khẳng định điều này, và thấy còn một số bất cập cần giải quyết sớm để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. 

Tại sao xét nghiệm ở 2-3 nơi lại khác nhau? 

Điều thiết yếu của xét nghiệm là chính xác. Có chính xác thì mới giúp chẩn đoán đúng bệnh, và mới chữa bệnh hiệu quả. Xét nghiệm sai dẫn đến chấn đoán sai, hậu quả là chữa không đúng bệnh, thậm chí có hại. Như vậy thà không xét nghiệm còn hơn bị đánh lạc hướng  

Có một số người hỏi tôi : tại sao xét nghiệm ở 2-3 nơi lại thấy khác nhau? Điều này không phổ biến, nhưng có thật. Kết quả xét nghiệm phụ thuộc chủ yếu ở người làm xét nghiệm, ở kỹ thuật, máy móc, hóa chất sử dụng. Có khi kết quả đúng nhưng đánh giá sai!  

Hiện nay, đâu đâu cũng thấy quảng cáo: máy móc hiện đại, tự động, của Mỹ, của Nhật, của Đức v.v… công xuất lớn, làm nhanh. Đúng, máy xét nghiệm hiện đại tốt thật, nhưng tốt với điều kiện: phải thường xuyên được kiểm tra, nếu không có thể sẽ dẫn đến sai hàng loạt. Máy móc hiện đại đều phải lập trình. Người phụ trách phòng xét nghiệm, kỹ thuật viên nắm vững kỹ thuật xét nghiệm, nhưng không phải ai cũng thạo về tin học, về kỹ thuật máy tính. Do đó, người phụ trách phòng xét nghiệm cần kết hợp chặt chẽ với kỹ sư của hãng cung cấp máy để lập trình cho đúng thì máy mới vận hành đúng được để cho ra kết quả chính xác. Hơn nữa, còn phải có chương trình kiểm tra chất lượng ngay trong máy. Trên thực tế, không nhiều nơi kết hợp tốt được như vậy, nhiều khi chỉ dựa vào việc lập trình của kỹ sư máy, nhất là ở tuyến tỉnh, huyện, nơi mà trình độ ngoại ngữ (kỹ thuật viết bằng tiếng nước ngoài), trình độ tin học chưa cao; trong khi đó, kỹ sư máy lại không giỏi về kỹ thuật xét nghiệm. Việc sử dụng hóa chất đúng hạn, có chất lượng là điều quan trọng, phải bảo đảm. Thực tế, việc thường xuyên kiểm tra, vận hàng máy móc xét nghiệm còn là bất cập hiện nay, cần giải quyết. 

Đã có máy vận hành tốt rồi, phòng xét nghiệm còn phải thực hiện thường xuyên việc kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng. Ngôn ngữ chuyên môn gọi là: QA và QC (quality assurance và quality control). Phải nội kiểm (tự kiểm tra) và ngoại kiểm (so sánh kết quả của mình với kết quả của nơi khác). Đã thành lập 3 trung tâm kiểm chuẩn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng, QA và QC còn chưa thành phổ biến ở nước ta, chưa “bắt buộc làm”.

Người làm xét nghiệm, người phụ trách phòng xét nghiệm và kiểm tra kết quả đóng vai trò quyết định. Xét nghiệm y khoa phục vụ bệnh nhân thường gồm 4 lĩnh vực: Hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh và ký sinh trùng, tế bào. Hiện nay, bốn lĩnh vực này là bốn chuyên khoa khác nhau. Người thuộc chuyên khoa này thường không thành thạo về chuyên khoa khác, sẽ gặp khó khăn khi điều hành chuyên khoa mà mình không sâu. Đây là một bất cập trong quản lý phòng xét nghiệm,chủ yếu ở tuyến tỉnh,huyện,ở các cơ sở tư nhân. Cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức đào tạo “Bác sỹ xét nghiệm” từ những năm 50, nhưng chỉ có 2 khóa rồi ngừng. Phải chăng nên lập lại việc đào tạo bác sĩ xét nghiệm, bên cạnh việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh? Vấn đề quan trọng này, chúng tôi sẽ bàn tiếp trong một bài khác. 

Những bất cập nêu trên dẫn đến việc phục vụ bệnh nhân có vấn đề mà hiện nay nhiều người không hài lòng. Đó là việc: bệnh nhân cứ đến gặp thầy thuốc là phải làm xét nghiệm mới, dù vừa có kết quả trước đó ở nơi khác. Nhiều lý do dẫn tới hiện tượng này:

– Xét nghiệm nơi này không được nơi khác chấp nhận, dù là công lập hay tư nhân.

– Xét nghiệm theo hướng chẩn đoán của bác sĩ.

– Lạm dụng xét nghiệm để có lợi. 

Cần loại bỏ việc lạm dụng xét nghiệm, tuy không dễ nhưng phải làm. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được bác sĩ giải thích tại sao phải làm xét nghiệm, theo hướng chẩn đoán nào? (có khi không giống với hướng chẩn đoán của bác sĩ khác hoặc không giống với ý nghĩ của bệnh nhân). 

Cuối cùng là sự tin cậy ở kết quả xét nghiệm. Do những bất cập đã nêu, người ta không tin tưởng ở kết quả do nơi khác làm. Phải giải quyết vấn đề này. 

Trong thời gian qua, các Sở, Phòng y tế đã luôn luôn kiểm tra các bệnh viện, phòng khám, phòng xét nghiệm. Nhưng, việc kiểm tra này thường là từng dịp và nặng về hành chính, thủ tục, chưa sâu về kỹ thuật chuyên môn. 

Cần thực hiện 5 biện pháp đồng bộ

 Sơ bộ nêu lên những bất cập trên, theo thiển ý của chúng tôi, có thể giải quyết chúng nhanh hay chậm, toàn diện hoặc một phần, tùy theo việc tiến hành những biện pháp sau đây: 

1. Tổ chức đào tạo bác sĩ xét nghiệm (hiện chưa làm) bên cạnh việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa hoặc hóa sinh hoặc huyết học và truyền máu, hoặc vi sinh và ký sinh trùng, hoặc chuyên khoa tế bào, giải phẫu bệnh lý. Bác sĩ xét nghiệm không phải là cử nhân xét nghiệm, chủ yếu làm việc ở tuyến tỉnh, huyện, ở cơ sở tư nhân. Trước mắt, cần cập nhật kiến thức từng thời hạn cho các bác sĩ chuyên khoa đang làm công tác xét nghiệm y học chung. Chúng tôi sẽ bàn kỹ vấn đề này trong một bài khác vì là vấn đề mới. Cần chú ý: con người là quyết định. 

2. Đưa ra một lộ trình, tiến tới bắt buộc tất cả các phòng xét nghiệm phải thực hiện QA và QC (kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng). Trong lộ trình đó, ưu tiên tổ chức các “Phòng xét nghiệm đã được kiểm chuẩn” ở các thành phố lớn trong vòng một vài năm tới, để làm chỗ dựa. 

3. Đưa ra một lộ trình, từng bước đưa việc tin học – hóa vào phòng xét nghiệm, lắp đặt các phần mềm quản lý và vận hành xét nghiệm LIS (Laboratory Informatic System). Trong lộ trình đó, trước mắt, tăng cường quản lý và kiểm tra việc cung cấp máy móc, trang bị, hóa chất cho các phòng xét nghiệm, hiện đang còn lỏng lẻo. 

4. Cải tiến và nâng cao quy trình kiểm tra định  kỳ và hàng năm các phòng xét nghiệm. Bên cạnh việc kiểm tra hành chính, thủ tục, cần tăng cường kiểm tra về mặt kỹ thuật, về mặt tin học. Người kiểm tra cần có trình độ thích hợp. Trong việc này, rất cần sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các hội chuyên ngành, hội hành nghề y tư nhân. 

5. Có một lộ trình tiến tới công nhận kết quả xét nghiệm của “Phòng xét nghiệm đã được kiểm chuẩn”. Xét nghiệm của các phòng này thì được sử dụng, không phải làm lại, trừ khi bác sỹ có hướng chẩn đoán khác, hoặc xét nghiệm đã làm trước đó một thời gian. Quyết định vẫn do bác sỹ và sự giải thích của bác sỹ. Phải có chế tài để thực hiện kết hợp với sự chi trả của bảo hiểm y tế. Như vậy, sẽ giảm được nhiều xét nghiệm gây phiền hà cho bệnh nhân.  

Trình bày thiển ý của mình, hy vọng được góp ý và chỉ giáo những thiếu sót, với lòng mong mỏi: xét nghiệm y khoa ngày càng phục vụ tốt hơn cho nhân dân.    

Theo PGS.TS Hoàng Văn Sơn

Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký

Hội hành nghề Y tư nhân Việt Nam