Thừa trình độ, bệnh viện nội vẫn ‘thua trên sân nhà’

Thừa trình độ, bệnh viện nội vẫn ‘thua trên sân nhà’

“Dù biết mười mươi mất một khoản tiền lớn nhưng các bệnh viện nội vẫn không thể lôi kéo được những người muốn chạy ra nước ngoài điều trị, khi mà 3 bệnh nhân 1 giường, 100 người chung nhau cái toilet…”, một bác sĩ thẳng thắn thừa nhận.

Khẳng định ngành y Việt Nam có vị thế không kém các nước trong khu vực, nhưng các bác sĩ cũng thừa nhận, không có cách gì giữ chân những người bệnh ra nước ngoài điều trị vì bệnh viện công có quá nhiều cái thiếu.

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho rằng, trình độ điều trị của các bác sĩ trong nước không thua bất cứ quốc gia nào. Riêng về K, thậm chí bác sĩ Việt Nam tiếp xúc với nhiều loại ung thư hơn nên còn có nhiều kinh nghiệm hơn trong chữa trị, điển hình là điều trị ung thư vú.

Gần đây, tại Hà Nội cũng như TPHCM, nhiều bệnh viện như Việt Đức, Nhi trung ương, Bạch Mai, Chợ Rẫy, ĐH Y dược, Từ Dũ… còn giảng dạy cho nhiều khóa các bác sĩ nước ngoài trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi, hiếm muộn…

Trong khi đó, những quảng cáo rầm rộ, thậm chí sai sự thật của các bệnh viện nước ngoài, đã khiến người bệnh Việt Nam bị nhầm. Ông Hùng dẫn chứng một trường hợp bệnh viện ở Trung Quốc quảng cáo trên báo ở Việt Nam là có thể trị ung thư bằng một phương pháp ưu việt, nhưng thực tế không đúng như vậy.

“Tại hội nghị toàn châu Âu, phương pháp này hoàn toàn không được đề cập đến bởi nó quá nhỏ và không mang tính chính quy. Vậy mà tôi không hiểu sao mẫu quảng cáo vẫn được cấp phép. Điều này khiến người dân dễ bị nhầm và xuất cảnh điều trị, vừa tốn kém vừa không hẳn đã khỏi bệnh”, ông Hùng nói.

Ngoài lý do “chưa tin vào y tế nội” của bệnh nhân, hầu hết các bác sĩ đều cho rằng nạn quá tải chính là nguyên nhân gây thất thoát bệnh nhân.

Về điều này, tiến sĩ Dương Đức Hùng, Viện tim mạch quốc gia (Hà Nội) cho rằng, với điều kiện hiện nay, dù biết mười mươi mất một khoản tiền lớn nhưng các bệnh viện trong nước cũng không thể lôi kéo được những người muốn chạy ra nước ngoài, khi mà 3 bệnh nhân một giường, 100 bệnh nhân chung nhau một toilet…

Thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP HCM, mỗi năm có vài chục ca ra nước ngoài điều trị phải quay trở về. Còn tại Bệnh viện Bình Dân, chỉ riêng khoa Nam học cũng có không ít ca sau khi đi nước ngoài phẫu thuật chỉnh sửa “của quý”, cuối cùng phải quay về để sửa sai vì biến chứng. Các bác sĩ khuyên, người bệnh trước khi ra nước ngoài cần tìm hiểu kỹ về bệnh, nơi sẽ tới, cũng như khả năng tài chính.

“Chúng ta không thể đòi ăn một bát phở thật ngon mà trả có 1.000 đồng. Đầu tư y tế của ta quá thấp. Giờ nếu người bệnh có chấp nhận trả tiền thì cũng chẳng ai thu, bởi cơ chế đã vậy rồi”, bác sĩ phát biểu.

Theo ông, như hiện tại, cả người có tiền và không tiền khi đi chữa bệnh, dù bệnh khỏi thì vẫn không thấy hài lòng khi ra viện bởi “anh nghèo, có thể được giảm viện phí, chi trả bảo hiểm nhưng ấm ức vì bị hành đủ loại giấy tờ, thủ tục, còn anh giàu bực tức bởi phải vật vờ, chầu chực, đổ bô cho người nhà…”.

Cũng theo nhiều chuyên gia, việc các bệnh viện công quên không quảng cáo mình, bỏ mặc “lãnh địa” này cho các cơ sở y tế nước ngoài đã góp phần không nhỏ khiến bệnh nhân bỏ đi.

Tiến sĩ Huỳnh Nghĩa, Trưởng khoa Huyết học Nhi 2, Bệnh viện Truyền máu huyết học thừa nhận, việc thiếu cập nhật thông tin cho người bệnh thấy được khả năng của bác sĩ trong nước và thiếu quảng cáo là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bệnh vẫn chưa tin tưởng.

“Thật sai lầm khi đến nay trong suy nghĩ của nhiều người bệnh vẫn xem trình độ và máy móc thiết bị của ta hiện nay như 10 năm trước. Điều sai lầm này khiến không ít người sau một thời gian điều trị ở nước ngoài rồi quay lại bệnh viện trong nước đã tỏ rõ sự ngạc nhiên bởi ta không hề thua kém”, ông Nghĩa nói.

Cũng bác sĩ Nghĩa, chỉ riêng bệnh bạch cầu cấp ở trẻ, sau nhiều năm điều trị, kết quả cho thấy tỷ lệ thành công tương đương với Singapore. Trong khi đó, chi phí điều trị trong nước chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba.

Khi phóng viên VnExpress.net đặt câu hỏi “Vì sao bệnh viện lại không quảng cáo các thành tựu mới, dù biết nhiều người Việt ra nước ngoài vì chưa tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ trong nước”, ông Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc Bệnh viện Việt Đức bày tỏ: “Chúng tôi cũng muốn đưa thông tin, nhưng lấy tiền đâu ra mà làm. Tôi muốn đăng quảng cáo trên một trang tạp chí nhỏ thì cũng tốn hàng chục triệu, đủ tiền chữa cho hai bệnh nhân rồi”.

Ông Quyết cũng cho biết, hiện nay Bệnh viện Việt Đức có đủ khả năng mổ những ca phức tạp nhưng không có đủ phòng mổ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

“Chúng tôi cũng muốn xây dựng các khu có chất lượng cao để hút người bệnh có điều kiện nhưng tiền đâu mà xây, ai dám bỏ ra? Mỗi năm bệnh viện tiêu tốn khoảng 750-800 tỉ đồng, trong khi nhà nước chỉ cấp có 17 tỉ, không đủ trả lương 2 tháng cho nhân viên. Bao nhiêu khoản cần ưu tiên, sao chúng tôi dám nghĩ bỏ tiền ra quảng cáo”, ông nói.

Tuy nhiên, khác xa so với suy nghĩ của các bác sĩ, nhiều người dân khẳng định họ ngán bệnh viện nội vì lý do hoàn toàn khác: Y đức và thái độ bác sĩ.

Theo một khảo sát nhanh mới đây trên Vnexpress.net, trong số hơn 700 người tham gia, có tới gần 60% khẳng định họ không muốn điều trị ở bệnh viện trong nước vì điều này. Chỉ có 1/4 số người được hỏi trả lời lý do là ngại cảnh chen chúc, đợi chờ, và chưa đầy 1/10 lo lắng về trình độ bác sĩ.

Theo Tiến sĩ Trần Minh Điển, phó giám đốc Viện Nhi, khi vào viện, người bệnh không chỉ cần khám, chữa mà còn muốn được tư vấn về sức khỏe, chuyện trò… để thực sự cảm thấy an toàn, thoải mái. Thế nhưng, rất nhiều bác sĩ đã không hiểu được điều này hoặc hiểu mà không thể đáp ứng, vì nhiều lý do, trong đó một phần do họ được đào tạo chuyên môn tốt nhưng chưa được học về giao tiếp.

Ý thức được điều này, mấy năm gần đây, Bệnh viện Nhi trung ương thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp, tuy nhiên, trong số hơn 1.600 nhân viên cũng có những người chưa thực hiện tốt. Viện từng chuyển một điều dưỡng sang công việc khác, không được tiếp xúc với bệnh nhân sau khi nhận phản ánh nhiều lần người này có thái độ không tốt với người bệnh.

Vì những lý do cả khách lẫn chủ quan này, các bệnh viện công của Việt Nam đang bỏ rơi nhóm người giàu, người có tiền cho các bệnh viện tư và bệnh viện ở nước ngoài, tự mình đánh mất một tiềm năng sinh lợi rất lớn.

Theo ước tính sơ bộ của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam đang bị “chảy” khoảng 1 tỷ đôla do khoảng 40.000 người ra nước ngoài chữa bệnh.

Một bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) thừa nhận chúng ta đang “thiệt đơn thiệt kép” khi để mất số bệnh nhân lớn cho các bệnh viện nước ngoài. “Chẳng hạn, những bệnh nhân sang Singapore chữa trị phải trả chi phí rất cao, mà không biết riêng khoản chi cho bên môi giới đã chiếm 30% tổng số tiền, trong khi không phải lúc nào cũng chọn được bệnh viện và bác sĩ uy tín ở nước đó. Ngay tại viện nhi chúng tôi, cứ mỗi cuối tuần lại có hai bác sĩ được mời sang một viện Singapore phẫu thuật và nhận được số thù lao nhỏ”, vị này cho biết.

Trong thử nghiệm mới đây, bệnh viện này đã mở một khu điều trị tự nguyện, có chất lượng dịch vụ ngang với các bệnh viện tư hoặc quốc tế tại Việt Nam, nhưng giá chỉ bằng 1/10 ở Singapore.

“Khoa có 38 giường bệnh và mong muốn thu hút 100 bệnh nhân tới khám mỗi ngày. Nhưng hiện nay, sau chưa đầy hai năm, trung bình mỗi ngày có 200 bệnh nhân tới khám và trên 40 người nằm điều trị. Nhu cầu của dân là cực lớn. Không chỉ là người có tiền, mà cả dân ngoại tỉnh cũng sẵn sàng chi trả cao để con được khám, chữa tốt nhất”, Thạc sỹ Trần Thanh Tú, trưởng khoa Điều trị tự nguyện A, cho biết.

Nhận thấy tính hiệu quả của mô hình này, bệnh viện đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng khu điều trị tự nguyện chất lượng cao.

Minh Thùy – Thiên Chương