Nếu người bị bệnh lao không chữa trị, hàng năm mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10 đến 15 người khác.
Ngày 6/9, tại Bắc Kạn, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Chương trình phòng chống lao Quốc gia, BV Lao và Phổi Trung ương và Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội, tổ chức Hội thảo về các chính sách pháp luật về phòng, chống lao cho với các đại biểu dân cử 9 tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo đánh giá của TS. BS.Cornelia Henning, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội, nếu người bị bệnh lao không chữa trị, hàng năm mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10-15 người khác. Tỷ lệ mắc lao mới đã có xu hướng giảm từ năm 2004, tuy nhiên hàng năm vẫn có 9,4 triệu ca mới, làm 1,3 triệu người chết, gần 1,4 triệu người đồng nhiễm lao và HIV; số bệnh nhân lao bị kháng thuốc là 440.000 người.
Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc BV Lao và Phổi Trung ương, Việt Nam xếp thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới; xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu; dịch tễ bệnh lao ở Việt Nam còn nặng nề, trước đây chúng ta ước tính thấp hơn thực tế khoảng 60%; tỷ lệ cao ở phía Nam và thấp hơn ở miền núi, cao nguyên.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao với khoảng 180.000 bệnh nhân lao mỗi năm; ước khoảng 32.000 ca tử vong mỗi năm vì bệnh lao. Việt Nam còn là nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao với khoảng 5.900 bệnh nhân và Việt Nam cũng là nước có gánh nặng đồng nhiễm lao/HIV cao, ước khoảng 7.400 bệnh nhân…
Theo GiadinhNet