Tác dụng phụ của một số thuốc an thần

Tác dụng phụ của một số thuốc an thần

Nhiều bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc an thần gặp phải những khó chịu như bồn chồn, run chân tay, cứng lưỡi… khiến họ phải bỏ thuốc làm cho bệnh nặng lên. Vì vậy, biết cách hạn chế những tác dụng phụ của thuốc chính là “chìa khóa” trong điều trị bệnh.

Haloperidol

Đây là thuốc an thần được sử dụng rất rộng rãi để điều trị bệnh  tâm thần phân liệt, hưng cảm, các rối loạn tâm thần do các nguyên nhân khác nhau. Thuốc được kê đơn sử dụng cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Tác dụng phụ chủ yếu của thuốc này là tình trạng ngoại tháp. Bệnh nhân cảm thấy bồn chồn, đứng ngồi không yên, ra nhiều nước bọt, cứng lưỡi, cứng hàm, run chân tay, có thể có xoắn vặn… Tác dụng phụ này làm cho bệnh nhân rất khó chịu, cá biệt có trường hợp rất đau đớn do co thắt thanh quản. Chính các tác dụng phụ này nếu không được xử lý kịp thời sẽ khiến bệnh nhân sợ uống thuốc. Kết quả là tình trạng bệnh sẽ xấu đi do bệnh nhân không chịu uống thuốc. Cách xử lý khá đơn giản. Nếu phát hiện bệnh nhân có tình trạng ngoại tháp thì cho bệnh nhân uống artane (apo – trihex, trihexiphenidin). Đây là thuốc rất sẵn trên thị trường, giá rất rẻ. Với bệnh nhân ngoại trú thì tốt nhất là cho bệnh nhân uống kèm artane với haloperidol hàng ngày. Tại Bệnh viện 103, chúng tôi áp dụng nguyên tắc kết hợp dùng haloperidol với artane trong điều trị bệnh nhân cả ngoại trú và nội trú. Mỗi năm chúng tôi điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân mà hầu như không có trường hợp nào bị ngoại tháp. Bệnh nhân uống haloperidol hay tiết nhiều nước bọt (đặc biệt khi ngủ thì nước bọt ra ướt đẫm gối). Có thể khắc phục bằng cách kết hợp với amitriptilin (nếu không có chống chỉ định) liều 25 – 50 mg/ngày.

Aminazin

 

Đây là thuốc an thần đầu tay của bác sĩ tâm thần và nhiều bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác. Đến nay thuốc này vẫn điều trị rất hiệu quả cho cơn hưng cảm, tâm thần phân liệt… Tác dụng phụ hay gặp nhất của thuốc là gây tăng men (SGOT, SGPT). Ngoài ra, thuốc còn gây trầm cảm. Có thể dùng fortec (RB25, lebicell…), eganin… để hạn chế tác dụng độc với gan của thuốc. Với các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm kết hợp thì không được dùng aminazin. 

 

Levomepromazin

Đây là thuốc an thần hay được sử dụng trong lâm sàng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc cơn hưng cảm, cai nghiện ma túy… Thuốc gây ngủ mạnh, giảm đau mạnh, hạ huyết áp tư thế đứng (đặc biệt là đường tiêm). Hạ huyết áp tư thế đứng và gây ngủ là 2 tác dụng phụ hay gặp nhất của thuốc này. Để khắc phục tác dụng phụ gây hạ huyết áp, trong tuần đầu dùng thuốc (đặc biệt là dạng tiêm), nên để bệnh nhân nằm nghỉ sau khi tiêm (hoặc uống thuốc) trong vòng 1- 2 giờ. Có thể cho bệnh nhân uống nước chè đường nóng để hạn chế tác dụng phụ này. Tác dụng phụ gây ngủ làm cản trở rất nhiều đến công việc của bệnh nhân, những người phải lái xe hoặc lao động với máy móc (thợ tiện, thợ hàn…). Cách khắc phục khá đơn giản, giảm liều thuốc của bệnh nhân nếu tình trạng bệnh cho phép, cho bệnh nhân uống nước chè hoặc một chút cà phê vào buổi sáng. Có thể chia lượng thuốc trong ngày không đều nhau, 1/3 lượng thuốc uống buổi sáng và 2/3 uống buổi tối.

Risperidon

Đây là một thuốc an thần mới, có tác dụng rất tốt với các triệu chứng dương tính (hoang tưởng, ảo giác…) cũng như các triệu chứng âm tính (cùn mòn cảm xúc, trí nhớ kém, mất trí…). Thuốc thường được sử dụng điều trị bệnh tâm thần phân liệt (mặc dù cũng được dùng điều trị các rối loạn tâm thần khác). Thuốc rất ít tác dụng phụ, tuy nhiên đôi khi cũng gây ngoại tháp (giống haloperidol) ở liều điều trị (4-8 mg/ngày). Với các trường hợp này, cần phải cho dùng artane liều thấp (4 mg/ngày).

Olanzapin

Đây là thuốc khá lý tưởng để điều trị nhiều rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, hưng cảm, kết hợp với thuốc chống trầm cảm để điều trị trầm cảm, cai nghiện ma túy, các rối loạn giấc ngủ, các trạng thái chán ăn tâm lý… Olazapin là thuốc an thần mới tác dụng cả trên triệu chứng dương tính và âm tính, vì thế thuốc thường dùng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt cấp và mạn tính. Thuốc không độc với gan, thận và cơ tim, không độc với cơ quan tạo máu. Vì thế khi sử dụng thuốc trong lâm sàng không cần làm xét nghiệm định kỳ về công thức máu, chức năng gan thận, điện tim. Tuy nhiên, thuốc cũng có một số tác dụng phụ sau:

– Gây ngủ nhiều: Thuốc rất có lợi cho các bệnh nhân mất ngủ. Nhưng ngủ nhiều khiến cho cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cách xử lý là giảm liều nếu có thể, cho bệnh nhân uống cà phê buổi sáng. Nên có người đánh thức bệnh nhân dậy đúng giờ trong thời gian đầu dùng thuốc tạo thói quen thức dậy đúng giờ cho bệnh nhân.

– Ăn nhiều: Bệnh nhân luôn có cảm giác thèm ăn, ăn rất ngon miệng, vì vậy gây tăng cân. Thuốc không được dùng cho bệnh nhân đái tháo đường. Thuốc này rất có lợi cho những bệnh nhân bị chán ăn, sút cân. Nhưng ăn nhiều khiến bệnh nhân béo phì (có người tăng đến hơn 10 kg trong 2 – 3 tháng dùng thuốc). Nên giảm liều thuốc nếu có thể. Yêu cầu bệnh nhân hạn chế ăn nếu có thể, ăn thức ăn nghèo năng lượng, nhiều chất xơ, tập luyện thể dục, thể thao để tiêu hao nhiều năng lượng. Có thể dùng thêm thuốc fluoxetin (20 mg/ngày) nếu không có chống chỉ định để giảm cảm giác thèm ăn. Nếu tất cả các biện pháp trên đều thất bại thì nên chuyển sang dùng loại thuốc khác (haloperidol, risperidon…).