Từ tháng 2, các bệnh viện đã bắt đầu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân bị viêm não. Đa số các trường hợp mắc bệnh là trẻ em, với tỷ lệ tử vong rất cao. Theo cảnh báo của các chuyên gia, mùa dịch sẽ bùng phát mạnh bắt đầu từ tháng 5 này.
Trẻ nguy kịch vì người lớn chủ quan
Tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, cháu Huyền -10 tuổi, ở Hà Nam – đã toàn thân bất toại 10 ngày nay.
Cháu sốt cao, khi đưa đến BV huyện được chẩn đoán là viêm họng, điều trị 5 ngày không khỏi nên gia đình xin chuyển thẳng lên tuyến T.Ư.
Nhập viện xong thì cháu đã rơi vào tình trạng hôn mê. Xét nghiệm dịch não tuỷ cho kết quả cháu đã bị viêm não Nhật Bản (VNNB).
Nằm cạnh Huyền là bé Mai – 1 tuổi, ở Hà Tây – cũng đang mê man và phải thở máy. Mẹ bé mếu máo cho biết, cách đây một tuần cháu bị sốt, nôn nhiều và bị co giật. Gia đình cứ nghĩ cháu bị sốt virus nên cứ nấn ná chữa trị ở nhà. Đến khi thấy biểu hiện của bé ngày càng nặng thì gia đình mới hốt hoảng đưa bé đi cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng bé đã trở lên nguy kịch.
BS Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Viện Nhi cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, Viện đã tiếp nhận và điều trị cho 75 trẻ bị viêm não, chủ yếu là viêm màng não do virus đến từ các tỉnh như Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An…(Hà Nội chưa có trường hợp mắc).
Điều đáng nói là hàng năm dịch viêm não và VNNB thường bùng phát từ tháng 5 đến tháng 8. Nhưng năm nay, ngay từ tháng 2, số bệnh nhân mắc đã gia tăng rõ rệt. Đã có nhiều trường hợp bị VNNB mà chuyển sang động kinh, liệt, mất trí nhớ, mù…
Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia hiện cũng đã bắt đầu xuất hiện bệnh nhân (hầu hết là trẻ nhỏ) bị viêm não, trong đó có một số ca bị VNNB.
Theo báo cáo từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, mỗi năm cả nước có từ 2.500 – 3.000 ca viêm não, trong đó bệnh VNNB thường chiếm từ 40-60%.
VNNB để lại di chứng cực kỳ nặng nề
Theo các chuyên gia Y tế, trong các bệnh về viêm não thì VNNB nguy hiểm nhất. Người bệnh bị nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não vĩnh viễn và tỷ lệ tử vong rất cao. VNNB hay gặp nhất ở trẻ em, ở lứa tuổi 1-6.
Nguyên nhân gây bệnh do virus truyền vào người khi bị muỗi Culex đốt.
Đầu tiên, virus gây bệnh phát triển trong cơ thể lợn hoặc các loại chim hoang dại. Khi muỗi cái Culex hút máu của lợn, nó sẽ hút theo các virus. Sau 14 ngày, muỗi Culex đã có khả năng truyền virus viêm não Nhật Bản (VNNB) đến một vật chủ khác. Nếu muỗi mang virus này đốt người, người sẽ nhiễm bệnh.
Sau 4-8 ngày ủ bệnh, với các triệu chứng giống “cảm cúm” như: sốt nhẹ, sổ mũi, tiêu chảy, run, nhức đầu, nôn mửa, kém ăn…bệnh bắt đầu tiến triển nặng hơn.
Đặc biệt, ở trẻ em sẽ có tình trạng rối loạn ý thức, nôn mửa, cứng gáy, kích thích (hoặc giảm động), sảng, ảo giác, co giật, động kinh và lâm vào tình trạng rối loạn nhịp thở, hôn mê.
Thông thường, nếu bệnh nhân đã ở giai đoạn này rất dễ tử vong, hoặc nếu qua khỏi cũng sẽ phải mang di chứng suốt đời như liệt, động kinh, lác…
Tiêm phòng là phương án tối ưu
PGS-TS Phạm Ngọc Đính – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ đưa ra lời khuyên. Mùa viêm não thường bắt đầu vào mùa hè, khi thời tiết có mưa, cây cối hoa quả bắt đầu phát triển cũng đồng nghĩa với sự gia tăng của muỗi. Để đề phongg bệnh do muỗi đem tới, các gia đình cần có các biện pháp diệt muỗi như phun thuốc, làm sạch môi trường xung quanh bằng cách phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh.
Đặc biệt, những gia đình có trẻ nhỏ cần đưa trẻ đi tiêm phòng VNNB, trước khi mùa dịch đến.
Tại Hà Nội đã tổ chức tiêm phòng VNNB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, ở đợt 2, nhiều trẻ bị ốm hoặc theo gia đình đi chơi đã bỏ tiêm mũi nhắc. Trong khi đó, nếu không tiêm đủ liều, khả năng phòng bệnh sẽ bị giảm hoặc văcxin không phát huy tác dụng.
Trong mùa hè, các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên. Nếu cả người lớn và trẻ nhỏ xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ bị VNNB, cần đến nhập viện càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán bệnh (xét nghiệm máu và dịch não – tủy, huyết thanh học, điện não đồ…) đều phải được tiến hành tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
P. Thanh