>> Cách điều trị mất ngủ đơn giản
Ăn mãi vẫn thấy đói, dễ cảm lạnh, hay xúc động, không thể tập trung vào mọi việc hàng ngày… Thật ngạc nhiên khi biết đó chính là biểu hiện của sự thiếu ngủ.
Thế mới biết, giấc ngủ có tầm quan trọng biết chừng nào và thiếu ngủ còn làm tăng nhiều nguy cơ đối với sức khỏe khác.
Dễ bị tăng cân: Ngủ ít sẽ có thể làm mất đi hormone điều chỉnh sự thèm ăn, tăng sự ham muốn đối với thực phẩm nhiều tinh bột, chất béo khiến cơ thể hấp thu nhiều calo hơn. Sau một thời gian sẽ dẫn đến tăng cân. Trong một nghiên cứu với những cặp song sinh của Đại học Washington, những người ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày có chỉ số BMI trung bình là 24,8 – thấp hơn 2 điểm so với những ai ngủ ít hơn.
Sức hút đối với vi trùng: Những ai ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm có nguy cơ hay cảm lạnh gấp 3 lần người khác. Nghiên cứu với những đàn ông thiếu ngủ cho thấy, khi tiêm vaccine cúm vào cơ thể, phản ứng kháng thuốc của họ chậm hơn bởi chỉ có một nửa kháng thể được sinh ra sau 10 ngày tiêm vaccine so với những người được nghỉ ngơi đầy đủ. Đó là bởi giấc ngủ tăng cường hệ miễn dịch của chúng ta.
Chuyển hóa đường yếu: Đường chính là nhiên liệu mà mỗi tế bào đều cần đến cho các hoạt động thông thường. Các nhà nghiên cứu của Đại học Chicago chỉ ra rằng, chỉ sau 6 ngày thiếu ngủ, người ta bắt đầu kháng insulin, loại hormone giúp vận chuyển glucose từ máu vào tế bào. Tương tự, những người chỉ ngủ 6 tiếng mỗi ngày không thể chuyển hóa đầy đủ đường vào cơ thể, về lâu dài điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
Thường xuyên căng thẳng: Mắt không được nhắm đủ thời gian sẽ làm tăng cortisol, loại hormone gây stress, đỉnh điểm sẽ là chiều và tối, kéo theo tăng nhịp tim, huyết áp, đường huyết và trong tương lai dễ dẫn đến nguy cơ bị huyết áp cao, bệnh tim mạch và đái tháo đường.
Ảnh hưởng đến tính khí: Sau một đêm trằn trọc, độ nhạy trong phản ứng nói chung sẽ giảm. Vì thế, các hoạt động như lái xe chẳng hạn sẽ trở nên nguy hiểm. Những người mệt mỏi kinh niên còn dẫn đến tâm trạng u ám, là bởi giấc ngủ và tính khí được quy định chung bởi một dạng hóa chất trong não. Với những người hay ốm thì mất ngủ còn tăng nguy cơ suy nhược.
Làm người ta trông già hơn: Nhiều người đã chứng thực hệ quả của việc thức đêm là mắt thâm quầng và da nhợt nhạt hơn. Ở mức độ xấu hơn, việc tăng cortisol có thể gây ra nhiều nếp nhăn hơn. Có lẽ vì thế người ta vẫn gọi giấc ngủ đẹp là khi hormone thay đổi, tăng cường máu cho da làm cho chúng sáng lên về đêm. Và cũng ít người biết rằng cho dù nhiều bộ phận được nghỉ ngơi vào ban đêm nhưng tế bào da vẫn phải cần mẫn, thậm chí tăng tốc gấp 8 lần để làm giảm nếp nhăn.
Dễ cảm thấy đau: Không ngạc nhiên khi các cơn đau kinh niên, như đau lưng hay viêm khớp hành hạ ai đó nếu họ ngủ ít. Một chương trình nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins cho thấy những thanh niên thức 20 phút mỗi giờ, suốt 8 tiếng về đêm liên tục trong 3 ngày đột nhiên bị đau lưng và khi bị kích thích cho nhiễm lạnh thì bị đau nhiều hơn.
Nguy cơ ung thư cao hơn: Tập luyện thể thao giúp ngăn ngừa ung thư nhưng thiếu ngủ có thể cản trở hiệu quả này. Trong một nghiên cứu đối với gần 6.000 phụ nữ trong khoảng 10 năm, những người năng tập thể dục nhưng ngủ tối đa 7 tiếng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 50% so với những ai chăm tập luyện nhưng ngủ đủ, tỷ lệ này tương đương với những ai không tập luyện bao giờ. Nguyên nhân do thiếu ngủ làm xáo trộn hormone và quá trình chuyển hóa, xoá bỏ những ích lợi mà việc tập luyện mang lại.
Số điên thoại tư vấn: 043 995 3167