Bệnh Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất hiện nay. Sa sút trí tuệ (dementia) là mất khả năng về trí lực và giao tiếp xã hội ở mức độ gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày. Sự thoái hóa mô não đang bình thường với nhiều nguyên nhân chưa được biết rõ, gây nên sự suy sụp dần dần trí nhớ và trí tuệ bệnh nhân.
Mặc dù vẫn chưa có một phương pháp thực sự hữu hiệu nào để ngăn ngừa bệnh Alzheimer, nhưng các nhà nghiên cứu đã đạt được những bước tiến quan trọng trong những năm gần đây. Điều trị thích hợp có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Ngày càng có nhiều loại thuốc được nghiên cứu, và các nhà khoa học còn khám phá ra hàng loạt gen có liên quan đến Alzheimer, từ đó đã đưa ra nhiều hướng điều trị nhằm ngăn chặn bệnh lý phức tạp này.
Trong khi chờ đợi các thành tựu đó, việc chăm sóc các bệnh nhân Alzheimer vẫn còn tập trung và sử dụng những hiểu biết hiện có. Họ rất cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của bạn bè và người thân để đương đầu với bệnh tật.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Bệnh Alzheimer – một tiến trình thoái hóa bệnh lý của não bộ – vượt quá giới hạn của sự quên thông thường. Nó có thể bắt đầu bằng sự rối loạn và mất trí nhớ nhẹ nhàng, nhưng dần dần sẽ dẫn đến sự suy giảm trí tuệ bất hồi phục nặng nề, tàn phá khả năng nhớ, lý luận, học tập và trí tưởng tượng của người bệnh.
*Phần lớn bệnh nhân Alzheimer đều có những dấu hiệu bệnh chung như sau:
Tính hay quên liên tục và tăng dần. Bệnh Alzheimer khởi đầu bằng một giai đoạn quên, đặc biệt là quên những sự việc mới diễn ra hoặc những việc đơn giản. Nhưng về sau triệu chứng quên cứ tồn tại và tăng dần. Bệnh nhân thường quên nội dung các cuộc nói chuyện, quên các đồ vật, đặt sai vị trí của chúng, thường đặt chúng không đúng theo logic và công dụng. Bệnh nhân thường quên tên bạn bè, rồi cuối cùng quên hẳn cả tên những người thân trong gia đình và tên các đồ vật thường dùng nhất, như cái lược, đồng hồ,…
Khó khăn trong suy nghĩ trừu tượng. Bệnh nhân Alzheimer gặp rắc rối với sổ tiết kiệm của họ, nhất là phải nhận ra và hiểu các con số.
Khó khăn trong tìm kiếm ngôn từ chính xác để diễn đạt. Thật là một thử thách lớn lao cho các bệnh nhân Alzheimer khi phải tìm kiếm các từ ngữ chính xác để diễn đạt những suy nghĩ của mình và ngay cả chỉ để hiểu kịp các cuộc nói chuyện. Việc đọc và viết cũng gặp khó khăn.
Mất định hướng. Bệnh nhân Alzheimer bị mất định hướng về thời gian và không gian. Họ không nhớ rõ ngày giờ, bị lạc trong chính ngôi nhà của mình. Sau cùng bệnh nhân hay đi lang thang ra khỏi nhà.
Mất khả năng phân tích và suy xét. Việc giải quyết các vấn đề xảy ra hàng ngày (như làm thế nào để biết thức ăn trên bếp lò bị cháy) trở nên rất khó khăn. Bệnh nhân Alzheimer giờ đây gặp phải trở ngại lớn trong việc thực hiện những công việc đòi hỏi phải có kế hoạch, những quyết định và suy xét.
Thực hiện các công việc quen thuộc khó khăn. Những công việc quen thuộc hàng ngày cần phải làm qua các bước tuần tự, ví dụ như việc nấu ăn, đã trở thành một cuộc chiến đấu khó khăn cho người bệnh. Cuối cùng thì bệnh nhân Alzheimer quên cả cách thực hiện những công việc cơ bản nhất, như đánh răng chẳng hạn
Thay đổi nhân cách. Người bệnh có tính khí thay đổi thất thường. Họ hoài nghi hết thảy mọi người, cố chấp và cách ly với xã hội. Lúc còn sớm, triệu chứng này có thể là phản ứng của người bệnh với tâm trạng thất vọng khi họ nhận thấy mình không thể kiểm soát đượoc trí nhớ. Vì vậy mà trầm cảm hay đi đôi với bệnh Alzheimer. Mất ngủ cũng thường xảy ra. Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân trở nên khó tính, hay kích động và cư xử không phù hợp.
Điển hình, những người thân của bệnh nhân Alzheimer ghi nhận một sự thay đổi dần dần – không phải đột ngột. Đến khi bệnh tiến triển, các triệu chứng ngày càng nặng lên buộc bệnh nhân hoặc người nhà phải tìm đến sự giúp đỡ của thầy thuốc. Nhiều bệnh nhân Alzheimer cũng nhận ra rằng trí nhớ của mình có vấn đề, có thể sẽ rất nặng nề.
Quá trình bệnh lý xảy ra nhanh hay chậm tùy thuộc rất nhiều vào từng cá thể. Từ triệu chứng quên đơn giản đến lúc sa sút trí tuệ nặng nề có thể kéo dài 5 năm, nhưng cũng có người đến 10 năm hoặc lâu hơn.
Bệnh Alzheimer thường diễn tiến từ nhẹ đến vừa, đến nặng. Bệnh nhân còn ở giai đoạn nhẹ thường có thể sống một mình được và có thể xử lý công việc khá tốt. Ở giai đoạn vừa người bệnh sẽ gặp khó khăn lớn nếu không có người giúp đỡ; còn ở giai đoạn cuối thường không thể tự chăm sóc bản thân họ được.