Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim va các mạch máu lớn, xảy ra từ lúc còn ở bào thai. Tần suất bệnh TBS chung trên thế giới là 8 trên 1000 trẻ ra đời còn sống.
Phân loại bệnh TBS
Môi trường sống tác động rất nhiều lên việc hình thành bệnh TBS. Bệnh TBS có thể là hậu quả của các yếu tố môi trường độc hại (tia phóng xạ, hóa chất, vi trùng, bệnh chuyển hóa…) ảnh hưởng lên người mẹ trong quá trình mang thai. Nguyên nhân gây bệnh TBS còn có thể bị tác động bởi yếu tố gia đình, di truyền, bất thường nhiễm sắc thể.
Bệnh TBS được chia thành 2 nhóm: Không tím (trẻ không bị tím da niêm) và có tím (trẻ bị tím da niêm). Các bệnh TBS không tím thường gặp nhất là: thông liên thất (30,5%), thông liên nhĩ (9,8%), còn ống động mạch (9,7%)…
Bệnh TBS có tím thường gặp nhất là: Tứ chứng Fallot (5,8%)… Một số bệnh TBS khác là: Hẹp van động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ, kênh nhĩ thất, thất phải hai đường ra, chuyển vị đại động mạch, bệnh Ebstein, không lỗ van ba lá, tâm thất độc nhất… Bệnh TBS nặng thường được chẩn đoán ngay khi trẻ sinh ra. Với trẻ bị dị tật tim nhẹ hơn, triệu chứng dần xuất hiện khi trẻ lớn lên. Bệnh diễn tiến có thể khiến trẻ gặp các triệu chứng như: hay mệt, ngất, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, viêm phổi tái đi tái lại, suy tim, tử vong… Với các bệnh này, điều trị thuốc chỉ làm giảm triệu chứng chứ không sửa chữa được tổn thương.
Hiện nay, ngành phẫu thuật tim rất phát triển, phần lớn các bệnh TBS được điều trị khỏi hẳn nhờ phẫu thuật. Một số bệnh lý TBS có tổn thương phức tạp, không thể điều trị hoàn toàn.
Trẻ mắc bệnh TBS nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách có thể giúp trẻ phát triển như những trẻ cùng trang lứa, hòa nhập tốt vào xã hội. Chăm sóc tốt cho những trẻ này cũng không phải là vấn đề đơn giản. Chính vì vậy, cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc phối hợp với ngành Y tế để điều trị trẻ bị bệnh TBS.
Nhận biết trẻ có bệnh TBS
Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh TBS nhưng không có biểu hiện gì do dị tật không nặng, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc khám vì một lý do khác. Một số dị tật khác cũng hay đi kèm với bệnh TBS như: hội chứng Down, sứt môi – chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay – ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ… Cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ sau:
– Trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), thường bị viêm phổi.
– Trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi. Trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân, tăng lên khi khóc, khi rặn…
– Trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường (chậm mọc răng, chậm biết lật, bò…).
Khi biết con mình mắc bệnh TBS, cha mẹ cần hỏi bác sĩ chuyên khoa tim mạch về tất cả những vấn đề quan tâm như: Đặc điểm tổn thương, diễn tiến của bệnh, cách thức điều trị, nếu có phẫu thuật thì thời điểm nào tốt nhất để phẫu thuật, cách chăm sóc trẻ tại nhà… để có thể hiểu về bệnh của trẻ nhằm xử trí đúng cách.
Chăm sóc trẻ mắc bệnh TBS
Mặc dù nhiều trẻ mắc bệnh TBS có thể sinh hoạt, học tập không khác những đứa trẻ khác nhưng chúng vẫn cần được chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách để có được sức khỏe tốt. Cha mẹ lưu ý:
– Chăm sóc trẻ chu đáo, giữ trẻ ấm, vệ sinh sạch sẽ, cho trẻ ăn uống điều độ, đủ chất.
– Không cho trẻ vận động mạnh hay chơi giỡn quá nhiều, tránh để trẻ gắng sức và làm những công việc nặng nhọc.
– Trẻ cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh bị nhiễm trùng, cần uống kháng sinh khi được làm thủ thuật hoặc điều trị răng để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
– Cho trẻ tái khám đúng theo lịch và tuân theo sự điều trị của bác sĩ, ngay cả khi trẻ đã được phẫu thuật, bởi vì một số bệnh TBS vẫn cần phải theo dõi sau phẫu thuật và khi lớn lên, trẻ có thể gặp một số vấn đề khác về sức khỏe.
Mẹ cần ngừa bệnh TBS cho trẻ khi mang thai
Bệnh TBS là những dị tật xảy ra ngay từ lúc trẻ còn ở thời kỳ bào thai, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ. Muốn ngừa bệnh TBS, người mẹ cần quan tâm đến những vấn đề sức khỏe trước và trong khi có thai:
– Cải thiện môi trường sống, tránh ô nhiễm.
– Tránh các tác nhân vật lý, hóa học, chất độc, các loại thuốc an thần, nội tiết tố, rượu, thuốc lá…
– Chủng ngừa hoặc tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh do siêu vi gây ra như: rubela, quai bị, herpes, cytomegalovirus, coxsaskie B…
– Nếu người mẹ có các bệnh lý chuyển hóa như: Đái tháo đường, lupus ban đỏ lan tỏa… thì cần được điều trị.
– Khám và theo dõi thai định kỳ.