Điều trị vô sinh – hy vọng của mọi gia đình (Phần 5)

Điều trị vô sinh – hy vọng của mọi gia đình (Phần 5)

* Anh tôi (36 tuổi) bị tắc ống dẫn tinh, đã phẫu thuật nhưng không thành công. Bác sĩ chỉ định làm IVF nhưng cũng chưa thành công. Xin hỏi trường hợp anh tôi có thể làm bằng IUI được không, vì qua 3 lần IVF, anh/chị tôi quá vất vả (điều kiện sức khỏe) Xin cảm ơn! (Vũ Minh, 34 tuổi, iten@….)

Th,s BS Đặng Quang Vinh: Trường hợp anh của chị cần làm thụ tinh trong ống nghiệm do không tinh trùng vì tắc nghẽn. Trong những trường hợp này anh ấy sẽ được phẫu thuật để lấy tinh trùng từ tinh hoàn/mào tinh. Khi đó hoạt động chức năng của tinh trùng (khả năng di động và tự thụ tinh với trứng) vẫn chưa hoàn chỉnh, do đó việc thức hiện bơm tinh trùng với tinh trùng từ phẫu thuật thường đem lại kết qủa thành công công thấp (dưới 5%).

* Em năm nay 27 tuổi, lấy chồng được 2 năm. Từ nhỏ đến giờ em hầu như chưa bao giờ có kinh tự nhiên, nếu dùng thuốc thì có, ngưng thuốc thì để mấy năm cũng chẳng có kỳ kinh nào. Khi 18 tuổi em có đi khám tại BV ĐH Y Dược và được bác sĩ nói yên tâm vì uống thuốc vào mà có kinh thì chuyện con cái không sao.

Ngay sau khi lấy chồng em đã đi kiểm tra lại và được kết luận buồng trứng đa nang. Em đã điều trị từ đó đến nay nhưng không có kết quả. Bác sĩ cho em uống Clomid để kích trứng rồi chích thuốc rụng trứng để vợ chồng quan hệ nhưng đã 5 chu kỳ điều trị vẫn không được, lần vừa rồi bác sĩ cho em bơm tinh trùng vẫn không đậu thai.

Trước khi bắt đầu điều trị bác sĩ có cho em đi chụp XQ tử cung vòi trứng nhưng do em bị cơ địa dị ứng bẩm sinh nên bệnh viện không đồng ý chụp cho em và đến giờ vẫn không kết luận được tử cung vòi trứng của em có bình thường không. Trong quá trình điều trị em cũng gặp rất nhiều phản ứng phụ của thuốc do em dị ứng mạnh như sưng phù, chóng mặt xây xẩm không thể ngồi được, ăn vào là ói ra hết… Đến khi ngưng thuốc hơn 1 tuần thì mới bớt.

Sức khỏe của em cũng không được tốt và đời sống tinh thần rất căng thẳng, thêm vào đó em làm việc trong ngành ngân hàng cũng rất áp lực và đi lại nhiều. Xin BS tư vấn giúp em nên tiếp tục điều trị theo hướng nào và có nên nghỉ việc để dưỡng sức không? (Trang Nguyễn, 27 tuổi, pinky66842004@)

Ths BS Lê Văn Hiền: Chào bạn. Bạn chỉ cung cấp những thông tin của bạn nên tôi không thể khuyên phương pháp nào điều trị cho bạn là thích hợp. Do đó cả hai vợ chồng bạn nên đi đến bệnh viện có chuyên khoa vô sinh hiếm muộn để được tư vấn điều trị.

* Tôi 42 tuổi, tôi bị bệnh không có tinh trùng, không có cả tinh dịch. Xin hỏi tôi có thể chữa trị hết bệnh không? Cảm ơn (Đỗ Văn Tuấn, 42 tuổi, b.baocong@….)

BS Dương Quang Huy: Anh Tuấn thân mến! Với những dữ kiện anh đưa thì không đủ để chẩn đoán cũng như đưa ra lời khuyên chính xác! Anh nên đến khám và điều trị tại Bv Hùng Vương hay Bv Bình dân để có câu trả lời thỏa đáng cho bản thân.

* Tôi đã có một con, năm nay 6 tuổi. Khi con tôi 2 tuổi, thì chúng tôi không kế hoạch nữa nhưng tôi bây giờ vẫn chưa có con thứ hai. Đi khám, bác sĩ nói là yếu tinh trùng. Chúng tôi nên làm sao để có con tiếp? (nguyen van chung, 34 tuổi, lanchung76@yahoo.com.vn)

BS Đặng Quang Vinh: Trường hợp của anh chị được chẩn đoán là vô sinh II 4 năm. Do anh không nói rõ là yếu tinh trùng mức độ như thế nào nên chúng tôi xin trả lời theo 2 hướng. Nếu tinh trùng yếu nhẹ và người vợ bình thường, 2 vòi trứng thông thì anh chị có thể được thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Nếu tinh trùng bất thường nặng hay người vợ có 2 vòi trứng bị tắc thì anh chị cần phải làm TTTON để có con lại. Chị có thể tham khảo thêm thông tin về quy trình điều trị trên website: www.ivfvietnam.net 

* Tôi năm nay 33 tuổi, đi khám bị tinh trùng yếu, vợ tôi bình thường. Tôi kết hôn 10 năm, đã đi chữa trị nhiều nơi mà chưa có kết quả. Xin hỏi bác sĩ có thể điều trị ở đâu để có hiệu quả tốt nhất? Xin chân thành cảm ơn(Nguyễn Văn Tuân, 33 tuổi, cocem6@)

BS Đặng Quang Vinh: “Hiệu quả tốt nhất” trong câu hỏi của anh có thể được hiểu là khả năng có con. Trong trường hợp này, tùy theo kết quả thử tinh trùng lần gần đây nhất và kết quả khảo sát của người vợ (siêu âm buồng trứng, xét nghiệm nội tiết, tình trạng vòi trứng) mà anh chị sẽ có hướng điều trị cụ thể để có con.

Nếu tinh trùng bất thường nhẹ, buồng trứng vợ bình thường và 2 vòi trứng thông thì có thể thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Nếu có bất thường một trong những yếu tố trên, anh chị có thể phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Anh chị đã mong con 10 năm, do đó anh chị nên đến khám tại các cơ sở điều trị chuyên khoa trong thời gian sớm nhất có thể.

* Tôi bị u tuyến yên đã mổ được 5 năm, tử cung nhi hóa, vậy tôi có khả năng có con không? Cảm ơn BS! (Phương, 34 tuổi,@) 

BS Nguyễn Thị Ngọc Sương: Bệnh u tuyến yên có liên quan đến khả năng sinh sản. Bạn đã được mổ u tuyến yên 5 năm, vấn đề hiện tại là tuyến yên đã trở về bình thường chưa, xét nghiệm nội tiết đánh dấu thế nào?

 

Tử cung nhi hóa cũng là một vấn để lớn trong khả năng sinh sản của phụ nữ và có liên quan ít nhiều đến bệnh lý tuyến yên, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa điều trị hiếm muộn để được điều trị càng sớm càng tốt để có câu trả lời chính xác là bạn có thể có con được không đối với tình trạng tử cung nhi hóa này.

* Em có đi khám ở bệnh viện Bình Dân về vấn đề vô sinh, em có mổ trong khi mổ thì trong bệnh án ghi la tắc nghẽn tĩnh mạch tinh. Và khi mổ rồi xét nghiệm lại có kết quả xét nghiệp tinh dịch là có hiện tượng sinh tinh giữa chừng. Như vậy em có thể có khả năng có con không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em, em thành thật biết ơn!( Phong, 28 tuổi tuổi, tramthanhphongtv@…)

BS Đặng Quang Vinh: Sinh tinh giữa chừng là hiện tượng bất thường của quá trình sinh tinh và thường không thể điều trị được. Để có con, anh chị có thể xin tinh trùng.

* Em bị u nang buồng trứng đã phẫu thuật cắt buồng trứng trái hiện em đang bị lạc nội mạc tử cung và đang điều trị thuốc DIPHERELINE. Vậy sau khi điều trị xong thuốc này bệnh của em có hết không, em có thể sinh em bé không? Nếu có em bé thì có ảnh hưởng gì tới mẹ và bé không, rất mong các bác sỹ giải đáp giùm em. (TÂM, 37 tuổi, minhtam_su @….)

Ths Bs Lê Văn Hiền: Chào bạn. U lạc nội mạc tử cung là bệnh có tỷ lệ tái phát rất cao. Sau khi phẫu thuật nếu tổn thương ở buồng trứng nhiều và phải cắt bỏ buồng trứng một bên như vậy thì sau này dự trữ buồng trứng sẽ giảm đi và có nguy cơ suy buồng trứng sớm. Như vậy khả năng có thai sau này sẽ khó. Tuy nhiên bạn nên hỏi bác sỹ đang điều trị cho bạn để có tư vấn cụ thể.

* Em cưới vợ từ cuối năm 2006, sau đó 7 tháng đi xét nghiệm thì mới biết là tinh trùng ít. Lúc đó, em xét nghiệm ở BV Đại học Y Huế và BV Trung ương Huế, lần đầu chỉ có một số rất ít, sau đó điều trị một năm thì tỉ lệ có tăng lên 1 triệu/ml. BS nói là không thể có con tự nhiên.

BS cho em hỏi nếu làm thụ tinh trong ống nghiệm thì tỉ lệ thành công là bao nhiêu, kinh phí cho một lần, và phải làm trong thời gian bao lâu? Em không biết nguyên nhân vì sao, xét nghiệm máu và các yếu tố liên quan thì bình thường, vậy BS cho em hỏi còn có nguyên nhân nào nữa không? (Hải, 31 tuổi, )

BS Dương Quang Huy: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tinh dịch đồ kém như trên, trong đó có những nguyên nhân có thể điều trị được bằng thuốc hay phẫu thuật tùy vào kết quả thăm khám vô sinh nam mà sau đó bạn vẫn có thể có con theo phương pháp tự nhiên. Tỉ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm vào khoảng 40% và kinh phí dao động từ 40-60 triệu đồng tùy vào đáp ứng thuốc của người vợ.

* Tôi mới lập gia đình, trước đây được BS chẩn đoán bệnh “giãn tĩnh mạch tinh” và đã phẫu thuật tại bệnh viện Bình Dân năm 2006. Xin hỏi: liệu tôi có khả năng có con không? Nếu muốn có con thì tôi phải làm thế nào? (Cảnh, 31 tuổi, Canh338300)

BS Đặng Quang Vinh: Để xác định khả năng sinh con, anh cần làm xét nghiệm thử tinh trùng. Hiện nay đã có một số trung tâm xét nghiệm nam khoa thực hiện tinh dịch đồ theo tiêu chuẩn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới. Bên cạnh đó vợ anh cũng nên đển để kiểm tra hoạt động của buồng trứng. Dựa trên những kết quả này, các BS sẽ tư vấn cụ thể hơn cho anh chị.

* Tôi đã lập gia đình, chưa có con, đi khám BS nói tôi bị tử cung nhi hóa và cho tôi uống thuốc tên gì tôi không nhớ (vỉ 21 viên, 1/2 vỉ màu trắng và 1/2 vỉ màu nâu). Liệu uống thuốc xong tôi có thể có thai không? Và trong thời gian uống thuốc tôi có dính bầu được không? (minh truc, 30 tuổi, mtruc2002us@)

BS Vương Thị Ngọc Lan: Chị bị tử cung nhi hóa, theo lời chị mô tả, có thể chị đang được sử dụng thuốc ngừa thai để làm cho có kinh trở lại và làm cho tử cung lớn lên. Do đó, trong thời gian đang dùng thuốc ngừa thai, chị không thể có thai. Nếu chị muốn có thai, nên đến cơ sở điều trị hiếm muộn để được chẩn đoán nguyên nhân tử cung nhi hóa, bác sĩ sẽ cho điều trị phù hợp để có con.

* Hồi nhỏ tôi bị bệnh quai bị nhưng không thấy biến chứng (tinh hoàn không bị sưng ), sau này đi khám và được giải phẫu thì phát hiện bị hội chứng tế bào sertoli. Xin BS cho biết tôi có chút hy vọng nào không? Có thể chữa được theo hướng “tế bào gốc” không? (Cường, 38 tuổi, )

BS Đặng Quang Vinh: Trong tinh hoàn có 2 loại tế bào, tế bào sertoli và tế bào sinh tinh. Trong trường hợp của anh trong tinh hoàn không có tế bào sinh tinh. Do đó biện pháp điều trị duy nhất là xin tinh trùng để có con.

* Em bị vô sinh thứ phát (con đầu 12 tuổi), nguyên nhân do một bên tắc kẽ, một bên thông hạn chế (em đặt vòng từ khi cháu được khoảng 1 năm đến đầu năm 2007 mới tháo vòng). Em đã đi làm nội soi vòi trứng gần 1 năm nay nhưng vẫn không có kết quả. Rất mong được bác sĩ tư vấn điều trị. (Duyên, 38 tuổi, dienbong@) 

BS Nguyễn Thị Ngọc Sương: Bạn mong con thứ hai, đã làm các khảo sát về ống dẫn trứng, buồng trứng qua nội soi ổ bụng nhưng vẫn không có kết quả. Năm nay bạn đã 38 tuổi, vậy khả năng có thai đã giảm, bạn cần tích cực đến bệnh viện để điều trị tiếp tục. Nếu vợ chồng bạn thật sự mong muốn có cháu nhưng không kết quả với các phương pháp thông thường thì có thể nghĩ đến việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

* Tôi 37 tuổi, muốn sinh thêm em bé trong vài năm tới. Xin các bác sĩ tư vấn giúp, tôi có thể giữ trứng đông lạnh được không và nếu được thì xin cho tôi xin địa chỉ liên hệ. Xin trân trọng cảm ơn! (nguyenthanhthuy0905@)

BS Vương Thị Ngọc Lan: Tôi nghĩ nếu muốn có thêm con, chị nên có con sớm, đừng để vài năm nữa vì năm nay chị đã 37 tuổi. Tuổi càng lớn, khả năng có thai của người phụ nữ càng giảm, nguy cơ sinh con bất thường càng cao.

Để bảo tồn khả năng sinh sản, hiện nay người ta có thể thực hiện đông lạnh trứng, hay là đông lạnh phôi (trứng đã thụ tinh với tinh trùng). Giữa 2 kỹ thuật này, đông lạnh phôi cho kết quả có thai cao và ổn định hơn. Do đó, nếu cần bảo tồn khả năng sinh sản, chị nên thực hiện đông lạnh phôi hơn là đông lạnh trứng.

* Cho em hỏi là làm sao biết mình có khả năng sinh con và sau khi xuất tinh làm sao biết tinh trùng mình còn sống hay chết. Rất mong được sự hồi đáp sớm nhất. Xin cảm ơn! (trần minh nghĩa, 23 tuổi, phongthan…@…)

– BS Dương Quang Huy: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tinh dịch đồ kém như trên, trong đó có những nguyên nhân có thể điều trị được bằng thuốc hay phẫu thuật tùy vào kết quả thăm khám vô sinh nam mà sau đó bạn vẫn có thể có con theo phương pháp tự nhiên. Tỉ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm vào khoảng 40% và kinh phí dao động từ 40-60 triệu đồng tùy vào đáp ứng thuốc của người vợ.

* Tôi lập gia đình được 8 năm nhưng chưa có con, nguyên nhân do tinh trùng chồng tôi yếu quá. Chồng tôi cũng đã mổ thắt ống dẫn tinh gần 1 năm (tại bệnh viện Bình Dân TP.HCM), nhưng vẫn chưa có kết quả tốt.

Tôi đã 2 lần làm IUI nhưng không thành công. Xin hỏi bây giờ vợ chồng tôi phải làm sao để có con? Nếu làm thụ tinh nhân tạo thì chi phí khoảng bao nhiêu? Làm cách nào để có số lượng tinh trùng khoẻ và chất lượng? (Thu Nguyet, 36 tuổi, thunguyetmai@)

BS Đặng Quang Vinh: Khả năng thành công khi điều trị vộ sinh phụ thuộc vào tuổi người vợ và thời gian vô sinh. Trường hợp chị đã mong con 8 năm, bơm tinh trùng 2 lần thất bại, do đó nên làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm 2 khoản chính: phí tiêm thuốc kích thích buồng trứng và viện phí, trong đó chi phí cho tiền thuốc có thể chiếm 2/3. Tổng chi phí cho 1 lần điều trị ước tính khoảng 45-50 triệu đồng.

* Xin hỏi uống thuốc ngừa thai (loại 1 viên) từ 3-5 viên trong 1 tháng như vậy có ảnh hưởng gì đến khả năng sinh con không? Nếu có ảnh hưởng thì nên uống bao nhiêu trong tháng thì tốt? (Trang, 18 tuổi, thienlong0101@) 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương: Nếu bạn chưa muốn có con thì nên dùng biện pháp ngừa thai ổn định và an toàn như thuốc viên ngừa thai mỗi ngày, bạn nên hạn chế sử dụng loại thuốc viên ngừa thai khẩn cấp (viên thuốc sau giao hợp) vì có thể gây rong kinh, rong huyết, rối loạn nội tiết khó điều chỉnh.

* Xin cho em hỏi phương pháp thụ tinh nhân tạo có đắt tiền không và những trường hợp nào thì cần đến thụ tinh nhân tạo?(huynh cong tao, 28 tuổi, rongnigata2@….)

BS Đặng Quang Vinh: Thụ tinh nhân tạo còn được gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Kỹ thuật này có thể được chỉ định trong các trường hợp vô sinh chưa rõ nguyên nhân, bất thường tinh trùng nhẹ, rối loạn rụng trứng, buồng trứng đa nang,… Chi phí cho 1 lần điều trị bao gồm kích thích buồng trứng và bơm tinh trùng vào khoảng 2-3 triệu.

* Vợ chồng tôi cưới từ 2006, lúc đó do lo việc kinh doanh nên chưa có em bé. Sang năm 2009 bắt đầu sốt ruột thì không như ý muốn. Tôi cũng đã đi hỏi BS nhưng không có kết quả (cả hai không bị bệnh gì). Gia đình rất lo. Mong BS cho tôi lời khuyên, liệu chúng tôi có sinh em bé được không hay phải nhận con nuôi? (Khanh, 34 tuổi tuổi, info.thanhhoa24h@) 

BS Nguyễn Thị Ngọc Sương: Khi xác định cả hai vợ chồng “không có bị bệnh gì” về sức khỏe tổng quát, không có nghĩa là cặp vợ chồng đó chắc chắn sẽ có thai. Vợ chồng bạn cần đến bệnh viện chuyên khoa hiếm muộn để được khảo sát về sức khỏe sinh sản, ngay khi đã được khảo sát bình thường về sức khỏe sinh sản cũng có khoảng 20 – 22% không có thai tự nhiên (gọi là vô sinh không rõ nguyên nhân).

 

Dù được chẩn đoán vợ chồng bạn nằm trong trường hợp nào các bác sĩ vẫn có thể hướng dẫn tư vấn hướng điều trị. Chỉ khi nào các bác sĩ chuyên khoa trả lời không thể điều trị được, lúc đó vợ chồng bạn hãy quyết định nhận con nuôi hay không.

* Tôi lấy chồng năm 2007 đến nay chưa có con, và từ ngày lấy chồng cho đến nay tôi hoàn toàn mất kinh nguyệt. Tôi có đi khám, BS cho uống thuốc tây thì có kinh, nếu tôi không uống là không có kinh. Vậy tôi bị bệnh gì và phải chữa như thế nào? (Thùy Anh, 32 tuổi, thuyanh197910@)

Ths BS Lê Văn Hiền: Trước đây bạn có kinh nguyệt bình thường và gần đây bạn không có kinh thì chúng tôi gọi là vô kinh thứ phát. Nguyên nhân của vô kinh thứ phát có thể do: buồng trứng đa nang, rối loạn nội tiết do tress, căng thẳng, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, dính buồng tử cung… Tùy vào nguyên nhân sẽ có phương pháp điều trị cụ thể. Do đó bạn nên đi khám để có thể tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.

* Mỗi lần quan hệ tôi xuất tinh ít, liệu như thế có ảnh hưởng đến sinh con không? Làm thế nào để sản sinh tinh trùng nhiều? (Xin duoc giau ten, 25 tuổi, )

BS Đặng Quang Vinh: Khả năng sinh con của nam giới phụ thuộc vào chất lượng của tinh trùng, cụ thể là số lượng khả năng di động và hình dạng bình thường của tinh trùng. Thường có mối liên hệ giữa thể tích xuất tinh và chất lượng của tinh trùng. Tuy nhiên anh nên làm xét nghiệm tinh dịch đồ tại các cơ sở chuyên khoa để có thể được tư vấn cụ thể.

Một số yếu tố như nghề nghiệp (môi trường làm việc nóng, ngồi nhiều), lối sống (sử dụng rượu bia, thuốc lá nhiều) hay sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh nội khoa trong thời gian dài… có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh trùng. Nếu anh không thuộc các nhóm đối tượng trên thì có thể hoàn toàn yên tâm. 

* Tôi 21 tuổi, còn độc thân, chưa từng quan hệ. Cách đây 5 tháng tôi bị bệnh huyết trắng tạp trùng. Sau 4 tháng điều trị bằng thuốc tây, đông y, tôi đã bớt bệnh. Hiện giờ có đôi lúc trong ngày ở vùng kín tiết ra huyết trắng màu trắng sữa, đặc, ra nhiều vào những ngày gần có kinh.

Xin hỏi bệnh huyết trắng lúc trước của tôi có ảnh hưởng đến việc có thai sau này của tôi không? Triệu chứng hiện tại có phải là bệnh huyết trắng hay là triệu chứng bình thường? (hà thị lan, 21 tuổi, hathilan@)

BS Vương Thị Ngọc Lan: Có thể chị bị viêm âm đạo. Chị nên đi khám phụ khoa, soi tươi nhuộm gram dịch âm đạo để biết tác nhân gây viêm và điều trị tirệt để. Chỉ khi viêm nhiễm âm đạo cổ tử cung không được điều trị đúng mức mới có khả năng gây nhiễm trùng ngược dòng làm viêm tắc ống dẫn trứng thì mới gây hiếm muộn.

* Tôi có gia đình năm 2004, nhưng vợ chồng tôi bị hiếm muộn con. Cho đến năm 2005 chúng tôi có đi khám ở bệnh viện Từ Dũ rồi sau đó chuyển qua bệnh viện Bình Dân để khám và xét nghiệm. Bác sĩ cho chúng tôi nhận được kết quả ở bệnh viện Bình Dân là: Ông xã tôi không có ống dẫn tinh nên bị vô sinh.

Lúc đó bác sĩ nói chỉ có thể mổ để nối ống dẫn tinh, nhưng ở VN mình không biết ở đâu để mổ và chi phí khoảng bao nhiêu. Xin bác sĩ chỉ dẫn cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn. (Nguyễn Thị Hồng, 29 tuổi, dangkhoa1209@….)

BS Đặng Quang Vinh: Trường hợp của chồng chị được chẩn đoán là không tinh trùng do tắc. Để có con, có thể có 2 hướng điều trị (1) phẫu thuật nối ống dẫn tinh để có tinh trùng trở lại và (2) TTTON với tinh trùng phẫu thuật.

Tuy nhiêu hiệu quả của việc nối ống dẫn tinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ thuật nối, thời gian bị tắc,… Hiện nay tại Việt Nam kỹ thuật TTTON với tinh trùng phẫu thuật từ tinh hoàn/mào tinh đã được thực hiện từ năm 2002. Trường hợp vợ anh còn trẻ tuổi, do đó nếu làm TTTON cơ hội thành công sẽ cao (trên dưới 40%). Anh có thể đến các trung tâm TTTON để được khám và tư vấn cụ thể hơn.

* Tới bây giờ tôi mới lập gia đình, hai vợ chồng đều trên 40 tuổi vậy thì có thể nhờ y học can thiệp để có khả năng có con được không? (văn kha, 47 tuổi, khoapham..@…)

BS Dương Quang Huy: Bạn không nói rõ độ tuổi của vợ nên chúng tôi khó có thể cho ý kiến chuẩn xác. Tuy nhiên, ở độ tuổi trên 40 thì khả năng thành công trong việc hỗ trợ có thai là thấp và còn có các nguy cơ khác cho trẻ được sinh ra. Bạn cần được tư vấn kĩ trước khi quyết định phương pháp y học hỗ trợ.

* Vợ chồng em năm nay 27 tuổi, kết hôn hơn 1 năm, chưa có em bé. Đi khám thì được biết chồng em bị thiểu sản túi tinh 2 bên. BS bảo nội tiết bình thường. Như vậy khả năng sinh tinh của chồng em vẫn bình thường phải không?

Nếu tụi em thụ tinh trong ống nghiệm thì có chồng em có phải phẫu thuật gì không? Trường hợp của chồng em có khả năng nào thụ thai bình thường được không thưa BS? (ha anh, 27 tuổi, huyenanh062@)

BS Đặng Quang Vinh: Thiểu sản túi tinh 2 bên là một dị tật bẩm sinh đường sinh dục thường đi kèm với bất thường đường dẫn tinh. Biểu hiện của những trường hợp này là không tinh trùng. Tuy nhiên để xác định khả năng sinh tinh của tinh hoàn, chồng chị có thể cần phải làm thực hiện sinh thiết tinh hoàn. Nếu xác định có tinh trùng trong tinh hoàn, chúng tôi sẽ trữ lạnh mô tinh hoàn. Sau đó chị sẽ được kích thích buồng trứng để làm thụ tinh trogn ống nghiệm.

Vào ngày lấy trứng, mẫu mô tinh hoàn sẽ được rã đông để lấy tinh ttrùng sử dụng. Như vậy chồng chị chỉ cần mổ tinh hoàn một lần, vừa để chẩn đoán, vừa để điều trị.

Những trường hợp tinh trùng lấy từ tinh hoàn/mào tinh do tinh trùng chưa hoàn toàn trưởng thành nên việc thụ thai bình thường hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung đem đến kết quả rất thấp. Chúc anh chị thành công!

* Vợ tôi có kết quả nội soi như sau: 2 vòi tử cung dính quặt ngược vào phía trong tử cung, dịch nhiều, gỡ dính 2 vòi tử cung, mở thông 2 loa vòi, bơm xanh metylen thông.

Đến nay đã được 1 năm nhưng vẫn không có thai tự nhiên được, nay chúng tôi muốn làm thụ tinh trong ống nghiệm, vậy tôi muốn hỏi kết quả như vậy có ảnh hưởng nhiều đến kết quả thụ tinh không? (ngyenthanhluan, 38 tuổi, luan_korea@)

BS Nguyễn Thị Ngọc Sương: Qua mô tả nội so ổ bụng, trường hợp của vợ bạn có viêm dính vùng chậu, tuy nhiên không có tình trạng ứ dịch ống dẫn trứng nhưng vẫn không có thai sau một năm mổ nội soi. Bạn muốn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, tình trạng ống dẫn trứng qua nội soi không có yếu tố ảnh hưởng xấu đến việc thụ tinh trong ống nghiệm.

 

 * Em bị giãn tĩnh mạch thừng tinh (nhược tinh) và đã vi phẫu, nếu sau khi lập gia đình, sức khỏe bà xã em bình thường, thì cơ hội có con tự nhiên là bao nhiêu %, thưa bác sĩ. Suy tinh và nhược tinh, cái nào quan trọng hơn?(Steve, 30 tuổi, tranthanhthao@…)

BS Đặng Quang Vinh: Khả năng có con của người nam phụ thuộc vào chất lượng tinh trùng, không phụ thuộc vào có hay không có giãn tĩnh mạch thừng tinh. Trong trường hợp cả 2 vợ chồng bình thường khả năng có thai tự nhiên vào khoảng 20% / chu kỳ. Tuy nhiên có khoảng 30% các trường hợp 2 vợ chồng hoàn toàn bình thường mà vẫn không có thai tự nhiên.

Nhược tinh thường liên quan đến khả năng di động của tinh trùng, còn suy tinh có thể là biểu hiện của tình trạng tinh hoàn không hoạt động. Tuy nhiên các thuật ngữ này chưa được thống nhất. Về lý thuyết, suy tinh hoàn ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng có con của người đàn ông, trong trường hợp này người chồng sẽ phải đi xin tinh trùng .

* Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ của tôi như sau: Mật độ TT 68, tỷ lệ TT sống 78, có di động 39, không di động 61, TT bình thường 3, không bình thường 97, Tế bào khác 9TT non, BC, vi khuẩn đều cho kết quả (-). Xin BS cho biết hướng điều trị và khả năng điều trị cũng như địa chỉ liên hệ. (Mai Hùng, 33 tuổi, hung…@…)

– BS Dương Quang Huy: Để đánh giá chính xác về tinh dịch đồ cần làm tối thiểu 2 lần cách nhau 2 tuần. Tinh dịch đồ chỉ cho chúng ta cái nhìn chung về khả năng sinh sản, do đó bạn cần khám, định bệnh, tìm nguyên nhân thì mới có hướng điều trị phù hợp. Bạn có thể liên hệ theo địa chỉ sau: Khoa Hiếm Muộn BV Hùng: lầ Vươngu 4 khu B số 9 Lý Thường Kiệt phường 12 Quận 5 TP.HCM, hay xem thêm thông tin trên trang web http://ivfhungvuong.com.vn.  

* Kinh nguyệt em rất thất thường, khoảng 3 tháng mới có một lần, mỗi lần kinh nguyệt ra rất ít và kéo dài trên 20 ngày. BV Từ Dũ khám và kết luận em bị đa nang buồng trứng.

Xin  cho em biết nên chữa trị như thế nào, hiện tại ông xã đã đi nước ngoài nên chưa thể có con được, em rất lo tình trạng này kéo dài sẽ khó có con. Cảm ơn bác sĩ. (Nam Xuyên, 31 tuổi, khaosatdiachatnamxuyen@….)

BS Đặng Quang Vinh: Đa nang buồng trứng là hình ảnh buồng trứng có nhiều nang trên siêu âm. Chị nên làm thêm 1 số xét nghiệm nội tiết để xem có thuộc trong nhóm hội chứng buồng trứng đa nang hay không. Hội chứng buồng trứng đa nang không cần điều trị, nếu chưa muốn có con. Trong trường hợp có rối loạn kinh nguyệt, chị có thể đến các cơ sở chuyên khoa để được sử dụng nội tiết giúp kinh nguyệt đều.

* Xin BS cho em biết những bệnh lý gây vô sinh ở nữ giới là gì? (Ngọc Anh, 29 tuổi, Anh_pham19812007@)

BS Vương Thị Ngọc Lan: Vô sinh không phải là một bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhưng lại ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và đời sống của các cặp vợ chồng. Vô sinh có thể được biết sớm trong một số trường hợp có bệnh lý bẩm sinh như: dị dạng đường sinh dục bẩm sinh gây vô kinh nguyên phát ở người nữ, bất thường di truyền ở nam giới như hội chứng Klinefelter gây vô tinh…

Ngoài ra, vô sinh không có triệu chứng rõ ràng, chỉ sau khi lập gia đình một năm mà không có thai thì các cặp vợ chồng mới nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân.

* Em lập gia đình được 5 tháng, trước đây bị bệnh quai bị và bị teo mất một bên tinh hoàn, còn một bên đi khám vẫn hoạt động bình thường. Sinh hoạt tình dục vẫn đều nhưng chưa có con. Em xin các BS lời khuyên hoặc biện pháp chữa trị… (Anh, 40 tuổi, anhhaianh40@….)

Ths Bs Lê Văn Hiền: Bạn có thể đi đến các bệnh viện có phòng khám nam khoa xét nghiệm tinh dịch đồ để kiểm tra chất lượng và số lượng tinh trùng như bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Từ Dũ, Khoa Phụ Sản Bệnh viện Đại học Y Dược, Hùng Vương, An Sinh…

 

* Vợ chồng em lấy nhau 10 năm chưa có con . Em muốn thụ tinh nhân tạo thi thủ tục cần phải làm gì ?(Nguyễn Thanh Thảo, 38 tuổi, vanktb1@….)

BS Vương Thị Ngọc Lan: Anh chị cần đi khám để biết nguyên nhân. Nếu cần thụ tinh trong ống nghiệm, thủ tục pháp lý bao gồm: chứng minh nhân dân của vợ chồng, giấy đăng ký kết hôn. Về mặt chuyên môn anh chị sẽ được thực hiện khảo sát đầy đủ. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn rõ ràng về phương pháp điều trị cho anh chị.

* Tôi 27 tuổi, chồng tôi 43 tuổi. Lúc 7 tuổi chồng tôi có mổ điều trị “tinh hoàn không xuống bìu”, giờ một bên tinh hoàn còn rất nhỏ. Chúng tôi đã để hơn 1 năm nhưng vẫn không có con. Bác sĩ cho hỏi tỉ lệ có con của người bị tinh hoàn không xuống bìu là bao nhiêu?

Trong trường hợp của chồng tôi tỉ lệ là bao nhiêu vì chồng tôi lớn tuổi và hơi mập (trên 100kg).Tôi thì hoàn toàn khỏe mạnh. (M Kien, 43 tuổi, )

BS Dương Quang Huy: Tinh hoàn không xuống bìu hay còn gọi là tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không di chuyển xuống bìu là vị trí tối ưu cho quá trình sinh tinh do có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 1-2 độ C. Do tinh hoàn nằm trong ổ bụng lâu ngày bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cơ thể sẽ bị teo và giảm sinh tinh.

Với tinh hoàn còn lại thì khả năng sản xuất tinh trùng sẽ kém đi dẫn đến tình trạng vô sinh ở chồng bạn. Trọng lượng cơ thể dư thừa là một yếu tố bất lợi cho khả năng sinh sản ở nam giới do sự gia tăng các nội tiết tố nữ cũng như gia tăng nhiệt độ ở vùng bìu. Chồng bạn cần giảm cân và khám chuyên khoa hiếm muộn để xác định và điều trị các nguyên nhân khác nếu có.

* Giãn tĩnh mạch thừng tinh thì có dẫn đến vô sinh không, cách phòng ngừa và điều trị như thế nào, ở đâu?Xin cảm ơn! (Lai Hong Duy, 30 tuổi, )

BS Dương Quang Huy: Giãn tĩnh mạch thừng tinh sẽ làm giảm chất lượng tinh trùng và có thể dẫn đến vô sinh nếu như chất lượng tinh trùng ban đầu không cao. Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh, bạn có thể đến BV Hùng Vương hoặc BV Bình Dân tại TP.HCM.