Hóa chất sinh hoạt: kẻ thù bệnh vô sinh ở nữ!

Hóa chất sinh hoạt: kẻ thù bệnh vô sinh ở nữ!

>> Coi chừng vô sinh do nạo phá thai

>> 3 nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ

Các nhà nghiên cứu Trường ĐH California tại Los Angeles (Mỹ) lần đầu tiên tìm ra những dẫn chứng rằng các hoá chất dùng trong sinh hoạt hằng ngày có trong bao bì thực phẩm, hoá chất nông nghiệp, hoá chất xử lý vải vóc, thảm nhà và các hoá chất chăm sóc vệ sinh cơ thể liên quan rõ rệt đến hiện tượng vô sinh đang có chiều hướng ngày càng gia tăng của phụ nữ.

Một công trình đăng trên Tạp chí Human Reproduction (Sinh sản của người), đã phát hiện những phụ nữ nào có hàm lượng các chất perfluorooctanoate (PFOA) và perfluorooctane sulfonate (PFOS) trong máu cao thì thời gian mang thai lâu hơn những người có hàm lượng các chất trên ở mức trung bình trở xuống.

Các nhà nghiên cứu đã dùng những số liệu thống kê để tìm hiểu hàm lượng của PFOS và PFOA trong huyết tương phụ nữ đang có thai liên quan như thế nào đến quá trình mang thai của họ.

Số lượng người được khảo sát là 1.240 người. Các nhà nghiên cứu chia những phụ nữ này thành 4 nhóm có hàm lượng PFOS/PFOA khác nhau để khảo sát. Kết quả cho thấy phụ nữ ở 3 nhóm có PFOS cao có khả năng vô sinh cao hơn nhóm hàm lượng PFOS thấp nhất từ 70%-134%, và 3 nhóm có hàm lượng PFOA cao khả năng vô sinh tăng 60%-154% so với nhóm hàm lượng PFOA thấp nhất.

PFOS và PFOA vốn được coi là những hoá chất không có hoạt tính sinh học, nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy chúng có những tác động có hại lên gan, hệ miễn dịch, các cơ quan sinh trưởng của người. Hiện các nhà khoa học chưa nghiên cứu nhiều về vấn đề này, chỉ có một nghiên cứu chỉ ra rằng PFOA có thể làm suy yếu sự phát triển của bào thai và một nghiên cứu khác về dịch tễ học chứng minh PFOS kết hợp với PFOA ảnh hưởng đến bào thai một cách nghiêm trọng.

Sống trong cùng một gia đình, có cách sinh hoạt giống nhau dễ bị phơi nhiễm như nhau… Ảnh: Venurse
Nhóm chất có tên chung là PFC (perfluorocarbon) mà cả hai chất PFOS và PFOA đều là thành viên không chỉ được phát hiện trong các đồ dùng gia đình mà còn được dùng trong quá trình sản xuất những chất hoạt động bề mặt và chất nhũ hoá trong công nghiệp. Chúng không bị phân huỷ trong môi trường và trong cơ thể sau hàng chục năm.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được hàm lượng PFOS/PFOA sau khi người phụ nữ đã mang thai, nhưng các hàm lượng này không thay đổi lắm so với trước khi có thai. Chất lượng tinh trùng của người chồng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi PFC và vì thế có thể làm tăng mức nhiễm PFC và ảnh hưởng tới thời gian mang thai của người vợ, vì họ sống trong cùng một gia đình, họ có cách sinh hoạt giống nhau và cùng bị phơi nhiễm như nhau. Tuy nhiên, đây mới chỉ là suy đoán vì các nhà nghiên cứu chưa có các số liệu về mức độ nhiễm PFC trong máu người chồng. “Những nghiên cứu về chất lượng tinh trùng và PFOA/PFOS chắc chắn sẽ tìm ra mối liên quan”, giáo sư Jorn Olsen, Trường ĐH California, đồng tác giả của công trình nghiên cứu, khẳng định.


Tuấn Hà (Theo Science agogo)