Trong cơ thể, iốt là một khoáng chất vi lượng, ít hơn lượng sắt 100 lần. Nhưng cái phần ít ỏi ấy lại có thể quyết định đứa trẻ thông minh hay trì độn, nguyên lành hay dị tật. Chế độ ăn hiện nay thường không đủ iốt.
Nhu cầu iốt của cơ thể được tính bằng microgam (mcg) nhưng nếu thiếu nó, nhiều biểu hiện bệnh lý quan trọng sẽ xuất hiện, đặc biệt là bệnh lý tuyến giáp. Trong cơ thể, trên 75% iốt được tập trung ở tuyến giáp để tổng hợp hoóc môn giáp trạng. Phần còn lại được phân bố trong các mô khác như nước bọt, tuyến vú, dịch tiêu hóa và thận.
Hoóc môn tuyến giáp T3 (tri-iodothyronin) và T4 (thyroxin) đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa phát triển cơ thể. Nó kích thích tăng quá trình chuyển hóa tới 30%, tăng sử dụng ôxy và làm tăng nhịp tim.
Khi nồng độ iốt trong máu thấp, tuyến yên được kích thích bài tiết một hoóc môn kích giáp trạng là TSH. Chất này được đưa tới tuyến giáp để “bắt” nó làm việc nhiều hơn nhằm tổng hợp thêm hoóc môn giáp trạng. Hậu quả là tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ. Đó là loại bướu cổ đơn thuần.
Việc thiếu iốt trong thời kỳ thiếu niên không chỉ gây ra bướu cổ mà còn dẫn đến đần độn, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng. Phụ nữ mang thai nếu thiếu iốt có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu iốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như điếc, câm, lác mắt hoặc tinh thần trì trệ.
Nhu cầu iốt là 150 mcg/ngày đối với người trưởng thành, 175 mcg/ngày cho phụ nữ có thai, 200 mcg/ngày cho bà mẹ nuôi con bú.
Một liều lên tới 1.000 mcg/ngày có thể coi là an toàn. Các nghiên cứu cho thấy, hầu hết địa phương hiện đều bị thiếu iốt. Cần bổ sung chất này qua muối iốt và thực phẩm, nhất là loại có nguồn gốc từ biển. Sau đây là lượng iốt có trong 100 g thực phẩm:
– Muối iốt: 555 mcg.
– Rau dền: 50 mcg.
– Nước mắm: 950 mcg.
– Rau cải xoong: 45 mcg.
– Cá thu: 45 mcg.
– Nấm mỡ: 18 mcg.
– Cá trích: 52 mcg.
– Khoai tây: 4,5 mcg.
– Bầu dục: 36,7 mcg.
– Súp lơ: 12 mcg.
Cần chú ý cách bảo quản, chế biến để giảm sự hao hụt iốt; chẳng hạn như để muối iốt trong túi nhựa kín, không phơi nắng, không để gác bếp. Khi nấu thức ăn gần chín mới cho muối vào.
BS. Phạm Thị Thục, Sức Khỏe & Đời Sống