Rối loại cương dương ở người bị tiểu đường týp 2
Tại sao bệnh đái tháo đường lại gây rối loạn cương dương?
Tình trạng cương của dương vật được duy trì bởi việc đổ đầy máu vào các khoảng trống trong thể hang từ các động mạch.
Những kích thích về thần kinh và giới tính tại chỗ sẽ làm gia tăng tình trạng tiết một chất hóa học là nitric oxide từ dây thần kinh của thể hang và các tế bào nội mạch.
Chất này ức chế hệ thần kinh giao cảm và kích thích hệ phó giao cảm để làm gia tăng lượng máu đến thể hang, đồng thời làm cản trở dòng máu trở về bằng đường tĩnh mạch.
Khi đó sẽ làm tăng thể tích của dương vật tạo nên tình trạng cương và cứng để giao hợp.
Bệnh tiểu đường týp 2 sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng cương cứng của dương vật bệnh nhân do nhiều nguyên nhân. Trong đó quan trọng nhất là tình trạng tổn thương của dây thần kinh lưng dương vật, tình trạng rối loạn của hệ thần kinh thực vật, tổn thương của các mạch máu lớn và các mạch máu nhỏ trong cơ thể bệnh nhân.
Đặc biệt là các mạch máu của thể hang. Tình trạng tiểu đường còn làm giảm đáp ứng của các mạch máu trong thể hang và sự co giãn của các bè cơ trơn của dương vật với nitric oxide.
Ngoài ra, các rối loạn về tâm thần kinh thường gặp ở những bệnh nhân tiểu đường như: tình trạng kích động, lo lắng quá mức, trầm cảm… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng cương của dương vật.
Có nhiều người bệnh tiểu đường bị rối loạn cương dương không?
Theo những thống kê ở nước ngoài thì tình trạng rối loạn cương dương chiếm vào khoảng từ 20 – 71% những người đàn ông bị bệnh tiểu đường.
Nguy hại hơn nữa khi các nhà chuyên môn thấy rằng: những người bị tiểu đường hay bị rối loạn cương dương gấp 3 lần và tình trạng rối loạn này lại nặng hơn so với những người không bị bệnh tiểu đường.
Tình trạng rối loạn cương dương ở những bệnh nhân bị tiểu đường xảy ra ở tuổi trẻ hơn và ngay trong giai đoạn sớm của bệnh.
Có tới 56% bệnh nhân đái tháo đường bị rối loạn cương dương ngay trong 5 năm đầu tiên của bệnh và có rất nhiều trường hợp rối loạn cương dương là triệu chứng đầu tiên của bệnh tiểu đường.
Bệnh nhân khi đi khám bệnh tại một phòng khám nam khoa được đi xét nghiệm về đường máu và đường niệu mới biết mình bị tiểu đường.
Một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của tình trạng rối loạn cương dương ở bệnh nhân tiểu đường là tuổi tác. Càng lớn tuổi tình trạng bệnh càng nặng nề.
Ở những bệnh nhân tiểu đường trẻ hơn có thể bị rối loạn cương dương khi sử dụng một số loại thuốc trị bệnh như: thuốc chống tăng huyết áp, thuốc tâm thần, thuốc chống co giật, thuốc nội tiết…
Ngoài ra, còn có những yếu tố nguy cơ khác thường thấy là: thời gian bị bệnh tiểu đường càng bị lâu càng dễ bị rối loạn cương dương, việc kiểm soát đường huyết không tốt do bệnh nhân không điều trị hoặc điều trị không đúng quy cách, bệnh nhân hút thuốc lá, nghiện rượu, trầm cảm hay bị các bệnh khác đi kèm.
Chẩn đoán bệnh có dễ không?
Hoàn toàn không dễ một chút nào, vì khi bệnh nhân đến khám tại các phòng khám và bệnh viện, do môi trường tiếp xúc quá đông đúc nên bệnh nhân cũng rất ngại nói ra điều mà họ coi như là “sức mạnh và niềm tự hào của người đàn ông”.
Trong khi đó, những nhân viên Y tế cũng chưa thật sự quan tâm đến điều này, thậm chí có người còn cho đó là điều nhảm nhí không đáng quan tâm.
Khi nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh rối loạn cương dương thì người thầy thuốc và bệnh nhân phải có một cuộc trao đổi thẳng thắn, trong đó có vai trò rất quan trọng của người vợ. Họ phải được tham gia cuộc nói chuyện như là một yếu tố quan trọng giúp cho việc chẩn đoán.
Bệnh nhân phải được khám kỹ càng, ngoài các xét nghiệm về đường máu và đường niệu, bệnh nhân phải được khai thác tiền sử bệnh một cách rõ ràng. Vì tình trạng rối loạn này xảy ra ở những bệnh nhân tiểu đường một cách từ từ theo thời gian.
Trong khi tình trạng rối loạn cương dương có nguyên nhân tâm thần kinh lại xảy ra đột ngột, có khi chỉ xảy ra đối với một số đối tượng nhất định.
Bác sĩ ơi bệnh em có chữa được không?
Trong một thời gian khá dài, tình trạng rối loạn cương dương ở bệnh nhân tiểu đường được coi là không có khả năng chữa trị.
Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân bị tiểu đường ngày càng gia tăng như hiện nay, các yêu cầu của bệnh nhân trước việc cải thiện chất lượng của cuộc sống đã đặt nền y học trước những thách thức mới và cuộc tìm kiếm những phương thức điều trị đã bắt đầu và tình trạng rối loạn cương dương ở bệnh nhân ngày càng được cải thiện, chỉ cần chúng ta quan tâm và điều trị kịp thời.
Để đạt kết quả tốt cho điều trị, bệnh nhân cần phải được điều trị bổ sung nhằm loại bỏ các yếu tố khác gây nên tình trạng này như: bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, điều trị chứng trầm cảm, kiểm soát tốt đường máu, dùng các nội tiết tố có testosterone thay thế ở những bệnh nhân có suy giảm hàm lượng testosterone trong máu.
Viagra là thuốc cải thiện tốt tình trạng cương cứng ở 56% bệnh nhân tiểu đường, nó có hiệu quả ngay cả khi dùng liều nhỏ.
Liều dùng khởi đầu thường là 50mg, sau đó có thể tăng lên đến 100mg hay giảm xuống còn 25mg tùy theo đáp ứng của bệnh nhân. Tuy nhiên, với những người cao tuổi, bệnh tiểu đường có biến chứng nặng, suy thận, suy gan thì liều khởi đầu chỉ nên là 25mg.
Thuốc được dùng một liều duy nhất, vào khoảng 1 giờ trước khi hành sự và không được dùng liều thứ hai trong cùng một ngày.
Thuốc Apomorphine ngậm dưới lưỡi: nó có tác dụng khá nhanh và kéo dài trong khoảng 20 phút đối với 50% bệnh nhân bị rối loạn cương dương trong bệnh tiểu đường.
Liều khởi đầu khoảng 3mg, nhưng với những bệnh nhân có suy giảm chức năng gan và thận thì nên dùng liều thấp hơn, khoảng 2mg là đủ.
Các phương pháp điều trị khác kém phần hiệu quả hơn: dùng thuốc Yohimbine là một loại thuốc đã được sử dụng từ lâu, nhưng hiệu quả thường không ổn định.
Tiêm các thuốc gây giãn mạch như papaverine, thuốc có prostaglandin E1 vào thể hang. Dùng dụng cụ hút bằng chân không, tâm lý liệu pháp với những bệnh nhân có nguyên nhân tâm lý đi kèm, dùng dương vật thay thế và cuối cùng là tái tưới máu cho dương vật nhờ phẫu thuật trên mạch máu của thể hang, nhất là trên các tĩnh mạch, phẫu thuật này khá khó khăn và hiệu quả thất thường.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam – Sức khỏe và Đời sống