Phụ nữ mắc bệnh lupus nên làm gì khi mang thai?

Phụ nữ mắc bệnh lupus nên làm gì khi mang thai?

Lupus là bệnh tự miễn, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Hơn 90% trường hợp lupus xảy ra ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Do vậy vấn đề thai nghén ở đối tượng này cần được chú ý.

Trước đây y học thường khuyên những người mắc bệnh lupus không nên có thai hoặc nếu đã mang thai thì nên bỏ, nhưng nay do có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán cơ chế bệnh sinh cũng như sự ra đời của nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch mới, nên hiệu quả trị bệnh cao hơn.

Thống kê cho thấy, dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa, khoảng 25% trường hợp thai nghén ở những bệnh nhân lupus phải đẻ non, 25% bị mất thai. Số còn lại mang thai và sinh nở bình thường.

Để tránh những tai biến nặng, nữ bệnh nhân lupus nên có thai vào giai đoạn bệnh lui, sức khỏe tốt thì nguy cơ bùng phát bệnh ít hơn. Nếu thụ thai trong lúc bệnh đang tiến triển hoặc khi đang có tổn thương thận thì nguy cơ bùng phát bệnh là rất lớn. Thực tế số lần mang thai ở những nữ bệnh nhân lupus thấp hơn so với phụ nữ không bị bệnh. Nguyên là do những bệnh nhân này dùng thuốc corticosteroid liều cao kéo dài và một số thuốc ức chế miễn dịch, nhất là cyclophosphamide có thể gây suy giảm khả năng thụ thai.

Mặt khác bệnh lupus còn gây rối loạn chu kỳ kinh của người bệnh nên cũng làm giảm khả năng thụ thai. Trong thời gian mang thai sẽ có những đợt cấp của bệnh tăng lên như đau khớp do giãn dây chằng, nổi ban đỏ do giãn mạch. Phần lớn các đợt cấp xuất hiện trong 6 tháng đầu của thai kỳ hoặc trong 2 tháng sau sinh với các triệu chứng nhẹ như sốt, đau khớp, nổi ban đỏ nên dễ kiểm soát.

Theo thống kê có khoảng 3% bệnh nhân lupus sinh ra những đứa con mắc hội chứng lupus sơ sinh. Hội chứng này gồm nổi ban đỏ bất thường về số lượng các tế bào máu và rối loạn nhịp tim. Nếu không có rối loạn nhịp tim, bệnh thường tự khỏi sau 3-6 tháng và không để lại di chứng.

Một trong những yếu tố gây ảnh hưởng nhiều đến thai nhi ở các bệnh nhân lupus là các tự kháng thể kháng phospholipid. 1/3 trường hợp có trong máu các tự kháng thể này. Chúng tạo ra các cục máu đông gây tắc mạch máu của nhau thai, làm nhau thai không phát triển đầy đủ, cản trở hoạt động chức năng bình thường của nó. Là nơi trung gian vận chuyển các chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ vào thai nhi, nên nếu nhau thai không phát triển đầy đủ thì thai sẽ yếu và chậm lớn. Nguy cơ lớn nhất ở các bà mẹ bị bệnh lupus mang thai là đẻ non. Trẻ sinh quá non thường khó thở, vàng da, thiếu máu. Tuy nhiên tại một số cơ sở hồi sức sơ sinh hiện đại thì tình trạng này có thể được giải quyết. Với những trường hợp trẻ quá non tháng hoặc mẹ bị xuất huyết giảm tiểu cầu hoặc sức khỏe quá yếu sẽ được mổ lấy thai. Đây là phương pháp lấy thai an toàn cho người bệnh.

Với những thai trên 30 tuần tuổi, nặng 1,5 kg có thể nuôi được và phát triển bình thường. Những trẻ này có thể bú mẹ, nhưng người mẹ cần chú ý khi dùng thuốc hydroxychloroquine, azathioprine, cyclophosphamide vì đây là những thuốc có thể bài tiết qua sữa và được hấp thụ vào máu của trẻ, có thể gây độc cho trẻ. Một số thuốc khác có thể gây mất sữa như prednisone. Một số trẻ đẻ quá non thường không đủ súc hút sữa thì mẹ cần vắt ra và bơm cho trẻ ăn. Tốt nhất, những bệnh nhân lupus đang phải dùng thuốc để kiểm soát bệnh thì không nên nuôi con bằng sữa mẹ.

Để hạn chế nhũng tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau thời gian mang thai, người mẹ vẫn phải dùng những thuốc cần thiết để kiểm soát bệnh. Những thuốc không qua nhau thai và an toàn với thai nhi mà người mẹ có thể sử dụng để kiểm soát được bệnh lupus trong thời gian mang thai là prednisone, prednisolone, methylprednisolone. Không nên sử dụng những thuốc gây độc cho thai như cyclophosphamide thì những trẻ sinh ra không có nguy cơ chậm phát triển trì tuệ hoặc mắc các dị tật bẩm sinh khác. Không sử dụng dexamethasone và betamethasone vì đây là những thuốc có thể qua nhau thai gây bất thường cho thai nhi.

Bác sĩ HỮU TRƯỜNG