Theo y học cổ truyền, nguyên nhân sâu xa của mụn nhọt là do chứng tích nhiệt trong cơ thể gây nên.
Với quan niệm đơn giản mụn nhọt là do nóng trong người sinh ra và là bệnh lành tính, nên phần lớn người bị mụn nhọt thường tự chữa trị. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kem bôi da, dưỡng da đôi khi không mang lại hiệu quả mà càng làm mụn nhọt bị nhiễm nặng hơn.
Không mấy người biết đến hậu quả của mụn, khi bị biến chứng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng. Đối với phụ nữ, việc lo lắng thái quá khi bị mụn làm khí huyết uất kết, không thông, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt và làm mụn nổi nhiều hơn trong giai đoạn hành kinh. Nếu gan không đảm bảo được vai trò thải độc và chuyển hóa tốt thì hiện tượng tích độc càng tăng.
Do đó để điều trị đúng căn nguyên gây mụn nhọt, cần phối hợp sử dụng các nhóm thực phẩm hoặc thảo dược có tác dụng bổ can, thanh nhiệt giải độc, lương huyết, kháng viêm và tăng cường hành khí hoạt huyết.
1. Thanh nhiệt giải độc, kháng viêm: các loại thảo dược như bồ công anh, sài đất, kim ngân, liên kiều, bèo cái, thương nhĩ tử (ké đầu ngựa), cỏ mực, cam thảo đất là những vị thuốc chứa nhóm hoạt chất flavonoid có tác dụng chống viêm và có tính kháng sinh thực vật, dùng chữa mụn nhọt sưng đỏ gây đau nhức khó chịu, hoặc mụn ở giai đoạn mưng mủ và vỡ mủ.
– Dùng các vị thuốc trên sắc uống với liều lượng: bồ công anh 15g, sài đất 10g, kim ngân hoa 5g, ké đầu ngựa 10g, cam thảo đất 2g, tất cả gộp lại sắc chung với 500ml nước, chia nhiều lần uống trong ngày hoặc bào chế ở dạng trà uống mỗi ngày.
– Nếu mụn đang viêm và sưng tấy, dùng 100g sài đất tươi sắc với nước thêm ít đường chia hai lần uống trong ngày. Hoặc dùng 100g sài đất tươi giã nhỏ hòa với 200ml nước đun sôi để nguội, thêm ít muối lọc uống ngày hai lần.
– Bài thuốc sài đất, cỏ xước, ké đầu ngựa, cam thảo đất, mỗi vị 20g, sắc còn khoảng 200ml uống ngày 2-3 lần.
2. Nhuận gan mật: atisô, nhân trần, rau má, râu bắp, râu mèo, dành dành… Các vị thuốc này có tác dụng thông tiểu tiện, tăng cường hoạt động của các tế bào gan và gia tăng thải độc cho cơ thể, chữa mụn nhọt viêm nhiễm ngoài da. Sử dụng các loại trà atisô, trà nhân trần, trà nhuận gan hoặc các bài thuốc nhuận gan mật gồm nhân trần 12g, dành dành 12g, mã đề 8g, sắc uống ngày một lần có tác dụng tốt cho việc điều trị mụn.
3. Thanh nhiệt lương huyết (làm mát huyết): các thảo dược hay được dùng như sinh địa, huyền sâm, cỏ mực, mạch môn, đơn bì, bạch thược có tác dụng làm mát huyết, nhuận huyết. Dùng bài thuốc gồm cỏ mực 20g, sài đất 10g, hạ khô thảo 8g, mạch môn 10g, sinh địa 10g, sắc trong 600ml nước, đun cạn còn 300ml chia nhiều lần uống trong ngày.
4. Hành khí, hoạt huyết tiêu ứ (làm khí huyết lưu thông): hồng hoa, đào nhân, đan sâm, hương phụ, ích mẫu, ngải cứu, nghệ vàng… Trong trường hợp kinh nguyệt không đều, có thể sử dụng các bài thuốc như sau:
– Ích mẫu 12g, cỏ xước 8g, nghệ 8g, sắc với 300ml nước còn khoảng 150ml, uống ngày một lần.
– Hương phụ chế 10g, ích mẫu 10g, ngải cứu 8g, đan sâm 8g, sắc lấy 150ml uống ngày một lần.
Song song việc uống đôi khi cũng cần sử dụng một số thuốc để bôi hoặc đắp ngoài da nhưng phải tuân thủ yếu tố vệ sinh, vô trùng vì khi mụn nhọt đang giai đoạn có mủ nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ có thể bị bội nhiễm.
– Dùng một ít bột quế hòa trong vài giọt chanh tươi chấm vào chỗ mụn, ngày 2-3 lần.
– Một muỗng nước ép ngò rí tươi trộn thêm một nhúm bột nghệ, rửa mặt sạch rồi chấm hỗn hợp này lên chỗ mụn bọc, mụn trứng cá mỗi tối trước khi đi ngủ, sáng dậy rửa sạch.
– Để mụn nhọt dễ rút mủ, dùng lá dâm bụt giã đắp, rễ cây hoa phấn giã đắp, hoặc dùng bài thuốc gồm lá khoai lang non 40g, muối ăn 3g, đậu xanh 10g, tất cả giã nhuyễn, trộn đều và đắp lên mụn, để khoảng một giờ rồi rửa mặt sạch với nước ấm.
Đông y có nhiều bài thuốc chữa mụn nhọt được bào chế ở dạng thành phẩm, có thể tham khảo và sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc. Thuốc đông y tuy lành tính nhưng cần chú ý để tránh mua nhầm các loại dược liệu giả trên thị trường có thể gây độc hại như sài đất giả, hồng hoa giả, kim ngân giả…