“Con đường dị ứng” là khái niệm dùng để chỉ chuỗi xuất hiện và biến mất của các bệnh dị ứng khác nhau. Mỗi giai đoạn lại có các kiểu dị ứng điển hình.
Dị ứng là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với một chất bình thường trong môi trường tự nhiên. Khi hệ miễn dịch của con người mẫn cảm với một kháng nguyên thì sẽ được nhận diện bởi hệ miễn dịch vào mỗi lần tiếp xúc kế tiếp và gây nên dị ứng. Nó thường là căn bệnh cả đời, hay tái phát. Hen (suyễn), viêm mũi, khò khè, chàm, mề đay, dị ứng thức ăn chính là bệnh dị ứng. Một số phương pháp mang lại kết quả điều trị hiệu quả nhưng vẫn chưa chữa khỏi hoàn toàn bệnh dị ứng hay hen suyễn.
Dị ứng có yếu tố di truyền nên các bậc phụ huynh nên bảo vệ trẻ sơ sinh trước các bệnh dị ứng bằng cách chủ động phòng ngừa ngay từ khi trẻ được sinh (đối với bé có nguy cơ cao). Các bệnh dị ứng phổ biến nhất là dị ứng thức ăn, chàm, suyễn hay viêm mũi dị ứng. Căn bệnh này rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Ở Australia, đến 40% trẻ nhỏ từng bị dị ứng. Bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở các quốc gia phương Tây với tần suất tăng gần gấp đôi trong suốt 25 năm qua. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Nga và cộng sự đăng trên Tạp chí Miễn dịch và Dị ứng Nhi khoa năm 2003 (Pediatric Allergy and Immunology), tỷ lệ trẻ 5-11 tuổi ở trường học ở Hà Nội bị dị ứng gồm khò khè: 24,9%, hen suyễn: 13,9%, viêm mũi dị ứng: 34,9%, chàm (eczema): 3,2%.
Triệu chứng của dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng. Nếu nhẹ, chỉ gây các triệu chứng thông thường ở ngoài da. Tuy nhiên, một số loại dị ứng nặng có thể làm bé suy nhược nghiêm trọng, gây nên các triệu chứng giống như bị cúm quanh năm hoặc gây khó ngủ, gầy sút, kém phát triển. Thậm chí có trường hợp khó thở nguy kịch do hen suyễn không được điều trị, dị ứng với các côn trùng có độc, dị ứng thuốc hoặc thực phẩm nghiêm trọng mà có thể gây sốc phản vệ chết người. Thậm chí, một số trường hợp khó thở nguy kịch do hen suyễn không được điều trị, dị ứng với các côn trùng có độc, dị ứng thuốc hoặc thực phẩm nghiêm trọng có thể gây sốc phản vệ chết người.
Ở giai đoạn trẻ nhỏ, dị ứng thức ăn và chàm cơ địa hay xuất hiện. Chàm cơ địa là một tình trạng viêm ngứa của da, có xu hướng phát triển ở nhiều thời điểm. Vùng da bị tác động trở nên viêm, đỏ, sưng, nứt, rỉ nước, đóng vẩy và tróc da. Giữa những đợt bùng phát, da nhìn thấy bình thường hoặc bị chàm mạn tính với biểu hiện da bị khô, dày và ngứa. Trẻ dưới một tuổi thường bị chàm phân bố rộng ở hai bên má. Việc gãi liên tục có thể làm tổn thương da, gây mất ngủ, tạo nên sự căng thẳng cho trẻ và cha mẹ. Chàm lúc 1-2 tuổi còn có thể gây các vấn đề về xúc cảm và sức khỏe tâm thần sau này.
Trẻ nhũ nhi có tiền căn chàm cơ địa thường khởi đầu cho một “cuộc đời dị ứng”, nghĩa là chúng sẽ phát triển hen suyễn hay sốt cỏ khô sau này. Bé có nguy cơ dị ứng cao khi có tiền căn dị ứng (ít nhất một người trong gia đình như cha, mẹ hoặc anh chị em ruột bị một bệnh dị ứng nào đó như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, sốt cỏ khô, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc…). Tuy nhiên, trẻ không có người thân bị dị ứng vẫn có 15% nguy cơ xuất hiện bệnh. Nguy cơ này tăng lên 20-40% khi có cha hoặc mẹ bị dị ứng và 60-80% nếu cả cha và mẹ đều bị dị ứng. Tiền căn gia đình bị dị ứng (yếu tố di truyền) và môi trường đóng góp 50% vai trò trong biểu hiện bệnh.
Nếu kháng nguyên thức ăn tiếp xúc trong giai đoạn nhũ nhi và khói thuốc lá là hai yếu tố nguy cơ của dị ứng thì sữa mẹ giúp sự phát triển vượt trội của vi khuẩn có lợi đường ruột Bifidobacteria (Bifidus) lại là yếu tố bảo vệ, phòng ngừa. Trong trường hợp không đủ sữa mẹ, sữa công thức với đạm thủy phân một phần và bổ sung Bifidus BL (công thức “HA” – hypoallergenic) cũng có tác dụng phòng ngừa dị ứng.
Đối với trẻ nguy cơ dị ứng cao, bạn nên cho bé ăn dặm trong khoảng 4-6 tháng tuổi. Không có bằng chứng cho thấy bà mẹ ăn uống kiêng cữ trong giai đoạn mang thai sẽ giúp phòng ngừa dị ứng cho bé.
PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn
Chủ nhiệm bộ môn Dị ứng Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch Lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai