Bệnh nám da ở phụ nữ trung niên

Bệnh nám da ở phụ nữ trung niên
Khoảng 90% phụ nữ trong độ tuổi từ 40 trở đi bị nám da. Thời gian gần đây, nhiều phụ nữ ở tuổi 30 cũng đã bắt đầu bị nám mặt. Điều quan trọng là cần hiểu nguyên nhân gây nám để từ đó biết cách phòng tránh.

 

 

Một số nguyên nhân chính

 

 

 

– Do yếu tố nội tiết

 

 

 

Khi có thai trong những tháng đầu hầu hết chị em đều bị nám ít nhiều, cho đến sau khi sinh vài tháng thì nám mặt sẽ giảm hoặc biến mất. Khi có kinh nguyệt, vùng da mặt bị nám thường sậm màu hơn. Sử dụng một số thuốc ngừa thai kéo dài nhiều năm liên tục cũng dễ bị nám.

 

 

 

 

 

– Do ánh nắng

 

 

 

 

 

Tầng ôzôn của khí quyển có tác dụng ngăn chặn tia tử ngoại chiếu xuống trái đất. Tuy nhiên tầng ôzôn có thể bị phá hủy bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó chất CFC dùng trong kỹ thuật làm lạnh là thủ phạm chính. Việt Nam là một khu vực nhiệt đới nên da rất dễ bị nám do tiếp xúc nhiều với nắng.

 

 

 

 

 

– Do mỹ phẩm

 

 

 

Một số mỹ phẩm như kem dưỡng da, kem trang điểm, dầu thơm… có thể gây nám vì các mỹ phẩm có chất dễ làm cho da mặt bị “bắt nắng”. Một số mỹ phẩm khác có công dụng lột da cũng làm cho da bị mỏng đi, nhạy cảm với môi trường và dễ bị sạm da hơn.

 

 

 

 

 

– Thường xuyên chịu ảnh hưởng của môi trường như bụi khói, dầu mỡ, hắc ín, than đá…

 

 

 

Do dược phẩm

 

 

 

 

 

Một số thuốc khi sử dụng có thể gây cảm ứng với ánh nắng như Tetracyline, Sulfamid, thuốc lợi tiểu nhóm Thiazid, chống dị ứng Phenergan, thuốc an thần Chlopromazin.

 

 

 

Do bị bệnh ngoài da ở vùng mặt

 

 

 

Như bệnh eczema, viêm da do tiếp xúc, bệnh zona, luput đỏ… Sau khi điều trị khỏi, thường dễ để lại vết thâm kéo dài.

 

 

 

 

 

 

 

– Do yếu tố tâm lý

 

 

 

Lo âu, buồn rầu, mất ngủ, stress cũng dễ bị nám mặt.

 

 

 

 

 

Phòng ngừa và chữa trị

 

 

 

– Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với ánh nắng. Khi ra ngoài nắng đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, bôi kem chống nắng chỉ số SPF từ 15 trở lên.

 

 

 

 

 

– Hạn chế sử dụng mỹ phẩm, nhất là các mỹ phẩm có nhiều hóa chất, nhiều chất thơm, chất lột da, chất tẩy da, càng lột da mạnh thì sau này mức độ nám sẽ càng phát triển nhanh, mạnh hơn.

 

 

 

 

 

– Dùng dược phẩm cần thận trọng và nên theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu đang dùng thuốc ngừa thai và thấy da mặt bị sạm thì nên đổi loại thuốc ngừa thai khác hoặc dùng phương pháp tránh thai khác thay thế.

 

 

 

 

 

– Không nên quá lo lắng, suy nghĩ nhiều, tránh stress, cần ngủ đủ mỗi ngày 7-8 giờ.

 

 

 

 

 

– Tuyệt đối không dùng kem trị có chất corticoid bán ngoài chợ hoặc tới một số thẩm mỹ viện không đủ chức năng. Bôi kem hoặc thuốc có chất corticoid có thể giúp nám mờ nhanh nhưng sau đó nám sẽ mau chóng xuất hiện trở lại nhiều hơn và dễ gây tác dụng phụ do corticoid như nổi mụn nhiều, da bị nhờn, bị đỏ, ngứa ngáy, rất khó chịu…

 

 

 

 

 

Sử dụng thuốc trị nám

 

 

 

– Dùng vitamin C liều cao từ 1g  mỗi ngày dưới dạng chích, uống, giúp giảm quá trình tạo ra nám.

 

 

 

 

 

– Sử dụng chất L.Cysteine có gốc SH, có thể giúp ích trong việc làm giảm nám.

 

 

 

 

 

– Bôi thuốc hoặc mỹ phẩm trị nám có chứa chất vitamin C, apbutin, acid kojic, acid azelaic.

 

 

 

 

 

Nói chung, việc chữa trị nám thường không dễ dàng, nhất là đối với người lớn tuổi, hoặc bị nám lâu hoặc thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng. Cần có sự kiên nhẫn và nên có sự thăm khám, hợp tác với các bác sĩ chuyên khoa da liễu trước khi lựa chọn và áp dụng phương pháp chữa trị như thế nào.

 

 

 

 

 

BS. Huỳnh Huy Hoàng

 

 

Bệnh viện Da liễu TP.HCM

Theo Thanh Niên