Bệnh trứng cá (mụn trứng cá) là một bệnh ngoài da, chủ yếu gặp ở tuổi thanh thiếu niên nhất là tuổi dậy thì. Mặc dù mụn trứng cá không phải là một bệnh đe dọa cuộc sống nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn lên chất lượng cuộc sống, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên như gây thiếu tự tin khi tiếp xúc hoặc để lại sẹo xấu nếu bị trứng cá nặng mà không biết cách chăm sóc và điều trị đúng cách.
>> Phương pháp loại bỏ mụn hiệu quả
>> Chế độ dinh dưỡng phòng chống mụn
Benzoyl peroxide là thuốc kháng khuẩn có tác dụng trên vi khuẩn P. acnes (vi khuẩn gây mụn trứng cá). Vì thế thuốc được dùng tại chỗ để điều trị mụn trứng cá nhẹ hoặc vừa và là thuốc bổ trợ trong điều trị mụn trứng cá nặng và mụn trứng cá có mủ. Ngoài ra, benzoyl peroxide còn có tác dụng làm tróc vảy da và bong lớp sừng.
Trước khi dùng thuốc, người bệnh phải rửa sạch và làm khô các vùng có mụn trứng cá hoặc mụn mủ ở mặt, cổ hoặc bất cứ nơi nào khác trên cơ thể. Bôi một lớp rất mỏng, ngày từ 1 – 2 lần. Tốt nhất là nên dùng vào lúc đi ngủ để thuốc tác dụng qua đêm. Trường hợp bị mụn trứng cá nặng, cần dùng thêm thuốc kháng sinh tại chỗ (clarithromycin) hoặc toàn thân (tetracyclin hay doxycyclin). Tuy nhiên, người bệnh không được tự dùng thuốc mà phải có chỉ định của bác sĩ.
Do có tính ôxy hóa nên các sản phẩm chứa benzoyl peroxid có thể làm bạc màu lông tóc và mất màu của vải, quần áo… (tránh để dây thuốc ra quần, áo, hay các vùng da khác). Không được dùng benzoyl peroxide khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia tử ngoại. Dùng đồng thời với thuốc chống nắng có chứa acid paraminobenzoic sẽ làm biến đổi màu da một thời gian.
Thuốc có thể gây kích ứng da, viêm da tiếp xúc, khô da. Đây là những tác dụng không mong muốn hay gặp nhất khi dùng thuốc bôi có benzoyl peroxide. Hiếm khi gặp hiện tượng ngứa dữ dội, tấy đỏ, nóng rát, sưng phù. Trường hợp xảy ra tróc vảy da quá nhanh, ban đỏ hoặc phù, cần ngừng thuốc. Ðể khắc phục nhanh các tác dụng có hại, có thể đắp gạc lạnh. Sau khi các triệu chứng và các biểu hiện trên đã giảm, có thể dùng thử một cách thận trọng liều lượng thấp hơn nếu cho rằng phản ứng đã xảy ra là do dùng quá liều chứ không phải do dị ứng. Tất nhiên đối với người dị ứng với benzoyl peroxide hoặc một trong các thành phần của thuốc thì không được dùng thuốc này.
Thuốc chỉ được dùng ngoài. Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt, niêm mạc, môi và miệng. Nếu không may tiếp xúc xảy ra, phải rửa kỹ với nước. Cần xác định xem người người bệnh có mẫn cảm với benzoyl peroxide hay không, bằng cách trước khi dùng bôi thử thuốc trên một vùng nhỏ. Nếu có kích ứng hoặc khô da thì nên giảm số lần dùng. Nếu bị ngứa nhiều, đỏ, nóng bừng, sưng phồng hoặc kích ứng hoặc thuốc không có tác dụng trong vòng 4 tuần nên ngừng thuốc và hỏi ý kiến thầy thuốc. Một đợt điều trị không được kéo dài quá 3 tháng.
Dược sĩ Hoàng Thu Thủy