Hỏi: Con trai tôi được gần 5 tháng ,khi được 2 tháng cháu đã bị viêm phổi phải vào viện điều trị tiêm kháng sinh 7 ngày (tiêm thuốc inbionet Duoc tam) đến nay lại bị tái phát viêm phổi phải điều trị tiêm thêm 6 ngày nữa .Tôi thưc sự lo lắng nếu con tôi cứ bị tái phát bệnh này trong thời gian ngắn thì tiêm thuốc nhiều như vậy có ảnh hưởng gì không?dù tôi chăm sóc bé rất cẩn thận nhưng do thời tiết đang giao mùa nên cháu rất hay bị ho ,khò khè và viêm phổi .Phai chăm sóc cháu thế nào để cháu không bị tái phát lại nhiều lần ?tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Những việc cần chú ý trong chăm sóc trẻ mắc nhiẽm khuẩn hô hấp:
1/ Bảo đảm cho trẻ được bú mẹ đủ và kéo dài cho đến khi trẻ dược 18 – 24 tháng. Cho trẻ ăn sam đúng thời điểm bắt đầu từ tháng thứ 5hoặc 6, và đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
2/ Vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, nhà cửa thoáng mát không khí trong lành. Tránh khói bụi, tránh nuôi các vật nuôi trong nhà, chăn ga, gối cần dùng loại vải tổng hợp, tránh dùng thảm, len, phòng ngủ của trẻ nên có ánh nắng chiếu vào, thường xuyên giặt giũ chăn gối của trẻ.
3/Không được đun bếp, hút thuốc lá trong nhà có trẻ hay bị bệnh đường hô hấp. 4/ Tránh cho trẻ nhiễm lạnh và ẩm, giữ ấm cho trẻ về mùa đông và khi thay đổi thời tiết.
4/ Tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch
5/ Phát hiện sớm và xử trí đúng các trường hợp mắc bệnh theo đúng phác đồ, không phải bất cứ viêm phổi nào cũng phải điều trị tại bệnh viện và phải tiêm thuốc… (nếu viêm phổi được phát hiện sớm, nếu không có rút lõm lồng ngực thì được chăm sóc tại nhà và theo dõi sau 2 ngày)
6/ Nuôi dưỡng trẻ cần đặc biệt chú ý:
- Trong lúc trẻ bệnh: nên cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, bất cứ lúc nào khi trẻ có nhu cầu kể cả ban đêm. Tăng cường cho trẻ uống thêm các loại nước hoa quả, nước osezol nếu trẻ sốt nhiều gây mất nước.
- Cung cấp thêm bữa ăn bằng sữa mẹ hoặc sữa dành cho trẻ dưới 1tuổi bị bệnh (Similac neosure), sau ốm nên tăng thêm bữa và lượng ăn cho trẻ, mục đích là cho trẻ ăn bù lại, giúp cho cơ thể trẻ nhanh hồi phục.
- Nhớ cho trẻ tập ăn sam khi trẻ đã khoẻ, tránh mọi khả năng gây suy dinh dưỡng cho trẻ vì với các trẻ hay bệnh thì suy dinh dưỡng và mắc bệnh là một vòng luẩn quẩn gây nên nhau, tác động xấu qua lại với nhau: khi trẻ nhiễm khuẩn thường trẻ hay kém ăn, hay bị nôn trớ nên lượng thức ăn đưa vào trong cơ thể không đáp ứng đủ nhu cầu, đồng thời cơ thể bị tiêu hao rất nhiều năng lượng trong lúc bệnh để chống đỡ lại bệnh tật, nên sau khi ốm dậy trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng. Ngược lại, khi bị suy dinh dưỡng, mọi chức năng của cơ thể đều giảm. Kháng thể IgA dịch tiết tham gia vào miễn dịch tại chỗ của niêm mạc bị giảm, lượng tế bào lympho T và B lưu hành giảm nên trẻ suy dinh dưỡng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là viêm phổi và tiêu chảy. Ngoài ra, trẻ suy dinh dưỡng thiếu hụt vitamin A, C làm giảm chức năng bảo vệ da và niêm mạc.
Hy vọng thông tin trên sẽ giúp chị chăm sóc bé tốt hơn.
BS Phạm Thanh Thuỷ