Cứ mỗi khi thời tiết chuyển mùa là khoa hô hấp của Viện Nhi T.Ư lại quá tải. Các ông bố, bà mẹ ôm con, ngồi xếp thành hàng dài chờ ở cửa. Từ tháng 9 đến nay, trung bình mỗi ngày, các bác sĩ khoa hô hấp thường phải khám bệnh cho khoảng 700 bé, thậm chí có hôm lên tới gần 1.500 bé, cao gấp 5 lần ngày thường.
Theo tin từ viện Nhi, từ đầu tháng 11 số bé phải nhập viện cao gấp 3 lần. Bình thường số bệnh nhi nhập viện liên quan đến đường hô hấp chỉ khoảng 15 – 20 bé thì gần đây, có ngày lên tới hơn 100 bé phải nhập viện chỉ trong một ngày.
Sáng 11/11, tại phòng khám, chị Nguyệt Như (khu Mỹ Đình) tay ôm cậu con trai nhỏ đang ho rũ rượi kể với bác sĩ: “Đã mấy ngày nay, cứ về đêm cháu Tũn lại sốt và thường phải há miệng ra để thở, tiếng thở của cháu khò khè rất khó nhọc”.
Chỉ đến khi bác sĩ khám và chẩn đoán bé Tũn đã bị viêm phế quản cấp thì chị Như mới tá hỏa vì “Có thể do thời tiết bắt đầu trở lạnh, gia đình đã cho Tũn mặc ấm quá. Mà trẻ con thường hiếu động, ban đêm hay ra mồ hôi nhiều nhưng không được lau kịp thời, khiến bé nhiễm lạnh”, chị Như chia sẻ với mấy bà mẹ khác ngồi cạnh.
Có cùng mối lo lắng như chị Như là vợ chồng anh chị Tước (Bắc Ninh). Cháu Hồng Anh con anh Tước mới hơn 1 tuổi cũng vừa được bác sĩ khám và cho nhập viện vì đã bị nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp trên.
Sau khi khám cho bé Hồng Anh, bác sĩ Thủy nói: “Hốc mũi của trẻ nhỏ rất hẹp, khi bị viêm nhiễm, chất nhầy tăng tiết càng làm hốc mũi hẹp hơn. Khi đó trẻ phải thở bằng miệng, không khí trẻ hít vào phổi sẽ không được lọc sạch và làm ấm khiến cho bé dễ bị mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi…”.
Theo TS. Lê Thanh Hải, Phó giám đốc bệnh viện Nhi T.Ư, viêm phế quản ở trẻ nhỏ là bệnh rất hay gặp trong thời tiết giao mùa. Đáng nói là nhiều bậc phụ huynh không biết chăm sóc đúng cách đã khiến bé bị biến chứng nặng nề, gây suy hô hấp.
Ví dụ, khi thời tiết trở lạnh, các gia đình thường cố gắng mặc thật ấm cho trẻ nhỏ rồi lơ là không theo dõi để lau mồ hôi chính là nguyên nhân khiến nhiều bé bị viêm phổi.
“Thời tiết đã bắt đầu chuyển lạnh vậy mà có bà mẹ còn đoảng đến mức vẫn cho con đi chân trần trên nền nhà gạch, thậm chí có người vẫn cho con nghịch nước… Chủ quan như vậy, rất dễ khiến các bé bị nhiễm bệnh”, bác sĩ Thủy phê phán.
Bác sĩ Thủy cho biết thêm, nhiều gia đình, khi thấy trẻ bị ho nhẹ, thường chủ quan không có những can thiệp kịp thời. Vì thế, không ít trường hợp khi đưa con đến khám thì bệnh đã nặng.
Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo các gia đình phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cho bé trong thời điểm này nên lưu ý giữ nhiệt độ phù hợp cho trẻ, nhất là ban đêm.
Mùa này, nhiệt độ thay đổi đột ngột, sáng sớm và buổi tối trời lạnh. Do vậy, vào những lúc này, cần cho trẻ mặc đủ ấm, chân luôn phải đi tất ấm, giày dép. Và đặc biệt không được cho trẻ nghịch nước.
Bên cạnh đó, các phụ huynh phải giữ cho trẻ ăn uống đủ chất và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Khi tắm cho trẻ, phải tắm bằng nước ấm, tránh chỗ gió lùa và tắm từng phần. Trước hết là gội đầu, sau đó lau khô, tắm chân tay và cuối cùng là tắm ngực. Cần làm sạch răng miệng cho trẻ trước khi đi ngủ.
Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý nguyên nhân nữa khiến bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản dễ tái đi tái lại với nhiều trẻ nhỏ, chính là thói quen tự bắt bệnh, tự kê đơn mua kháng sinh để điều trị bệnh cho con mình của các bậc phụ huynh. Điều này khiến bị nhờn thuốc, giảm sức đề kháng của trẻ.
Theo Đình Đình
VTC