Hiện nay đang là thời điểm giao mùa với sự biến đổi thời tiết ngày nắng nóng, lạnh về đêm và sáng, kết hợp với độ ẩm giảm dần, khô hanh nên rất dễ mắc bệnh đường hô hấp nhất là người già và trẻ nhỏ. Ngoài ra, đây là thời điểm trẻ em đến trường sau kỳ nghỉ hè nên khả năng lây lan bệnh cao hơn.
Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh đường hô hấp
Thời tiết thay đổi thất thường đã làm gia tăng bệnh nhi mắc bệnh và nhập viện. Tại khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ cho biết, trung bình một ngày có 30 – 40 bệnh nhi khám, nhập viện, tăng gấp đôi so với những ngày thường trong đó chủ yếu là các bệnh đường hô hấp.
Tại khu vực phía Nam, khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương mỗi ngày tiếp nhận trung bình 25 trẻ nhập viện. Riêng ngày 12/8, số bệnh nhi nhập viện tăng vọt lên đến hơn 50 bé. Trong đó, đa số trẻ mắc các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen phế quản (suyễn), viêm thanh khí phế quản…
Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 (TP.HCM) cũng tiếp nhận số bệnh nhi tăng đột biến, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 đón hơn 6.000 lượt bệnh nhi đến thăm khám. Bệnh viện Nhi đồng 2 là khoảng 5.000 lượt. Vì vậy khi bước vào thời điểm giao mùa như hiện nay, các bậc phụ huynh cần có kiến thức cơ bản để chủ động phòng bệnh cho thành viên trong gia đình.
Các biểu hiện
Các dấu hiệu đặc trưng bệnh đường hô hấp của của trẻ nhỏ là: Nghẹt mũi, sổ mũi, mệt… có đôi khi kèm sốt hoặc vài dấu hiệu ngoài đường hô hấp như nhức đầu, nôn… Để phát hiện sớm khi bé có các biểu hiện sau cha mẹ cần nghĩ đến bệnh lý đường hô hấp:
Thở nhanh: Thở nhanh nông là thở quá 18 lần/phút, đây là dấu hiệu sớm nhất của bệnh. Một số nhà nghiên cứu giới hạn bình thường của thở là 16 đến 20 lần hay 25 lần/phút. Nếu đột nhiên có thở nhanh hoặc có thở nhanh dai dẳng thì phải chú ý đặc biệt.
Thở rít: Là tiếng rít trong khi thở gây ra bởi dòng khí đi qua đường thở bên trên bị hẹp lại. Thở rít khi hít vào gợi ý cho thấy có tác nghẽn ngoài lồng ngực còn thở rít khi thở ra chỉ cho ta thấy có tắc nghẽn đường thở trong lồng ngực. Thở rít khi hít vào và thở ra cùng với nhau gợi cho ta thấy có tắc nghẽn cố định ở nơi nào đó trong đường thở phía trên.
Thở khò khè: Là các tiếng khò khè liên tục gây ra bởi dòng khí qua các đường khí trong lồng ngực. Hầu hết các trường hợp là mắc bệnh đường hô hấp xong không phải là tất cả, đôi khi thở khò khè là do hen. Thở khò khè có thể kèm theo cảm giác bó chặt lồng ngực, một cảm giác không đặc hiệu do thở phải gắng sức do co thắt phế quản.
Khó thở: Là triệu chứng chủ quan cảm giác không thoải mái khi thở, cảm giác này tăng lên do bất kỳ hoạt động thể lực nào. Cần thiết phải theo dõi mức độ hoạt động gây khó thở như: Khó thở do phổi, các rối loạn ngoài phổi gồm bệnh tim, sốc, thiếu máu, các tình trạng tăng chuyển hóa và lo lắng, khó thở về đêm kịch phát và khó thở nằm, khó thở đứng (khó thở trong tư thế đứng và dịu đi khi nằm).
Ho và ho dai dẳng: Phản xạ ho có thể khởi phát bởi kích thích các cơ quan nhận cảm khu trú ở đường khí phế quản, đường hô hấp trên và những nơi khác như ở các xoang, ống tai, màng phổi, màng ngoài tim, thực quản, dạ dày và cơ hoành. Ho dai dẳng, mạn tính thường do hút thuốc, hen hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ho cũng có thể do thuốc, do bệnh tim, các tác nhân nghề nghiệp, do hen không phát hiện ra, do trào ngược dạ dày thực quản, do viêm phế quản hay giãn phế quản…
Ho ra máu: Có thể chỉ là khạc ra máu hay ra đờm lẫn máu, là chỉ điểm đầu tiên của bệnh phổi phế quản nghiêm trọng, phải phân biệt với nôn ra máu và chảy máu đường mũi họng. Viêm phế quản và giãn phế quản tuy là nguyên nhân thường gặp nhất của ho ra máu nhưng phải loại trừ nguyên nhân do ung thư.
Tím tái: Xuất hiện ở da hay niêm mạc do tăng tổng số hemoglobin không bão hòa trong máu (>5g/dl). Tím tái trung tâm thường do thiếu ôxy do suy hô hấp, do có thông phải trái trong tim hay nối tắt mạch trong phổi gây ra, thấy rõ khi quan sát niêm mạc miệng. Tím tái ngoại biên phần lớn do các nguyên nhân ngoài hô hấp như do giảm cung lượng tim và do co thắt mạch.
Phòng bệnh vô cùng quan trọng
Trong thời điểm giao mùa, trẻ hay bị các bệnh về đường hô hấp là do lứa tuổi này sức đề kháng kém, cơ thể nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết, dễ dàng bị các virut, vi khuẩn tấn công. Nhất là nhiệt độ ngày – đêm thay đổi cơ thể trẻ rất khó thích nghi. Đây cũng là nguyên nhân khiến vào buổi sáng sớm, khi có những cơn gió lạnh trẻ thường bị những cơn ho sặc sụa, ngạt mũi nặng hơn. Do vậy, buổi tối khi đi ngủ, cha mẹ nên quàng cho trẻ khăn mỏng kín cổ và ngực. Không mở cửa sổ tránh gió lùa. Buổi sáng sớm khi cho trẻ uống nước nên cho trẻ uống nước ấm.
Ngoài ra, cha mẹ cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng buổi tối trước khi đi ngủ và sáng ngủ dậy (việc súc miệng hàng ngày bằng nước muối loãng có tác dụng rõ rệt trong việc phòng các bệnh viêm đường hô hấp, nhất là viêm họng do virut, vi khuẩn). Cần lưu ý, nước muối không được pha quá mặn. Về mùa lạnh, nên súc miệng nước muối ấm. Đối với trẻ nhỏ chưa thể tự súc miệng bằng nước muối loãng, cha mẹ có thể dùng một chiếc khăn xô sạch nhúng vào nước muối ấm nhẹ nhàng lau kẽ răng, lợi và lưỡi cho trẻ vì lưỡi trẻ có thể bị lên men, tưa, có nhiều vi khuẩn… Không nên vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay sau khi ăn dễ bị nôn, trớ….
Chế độ ăn của trẻ cũng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cơ thể trẻ mới đủ sức đề kháng chống lại sự thâm nhập của virut, vi khuẩn. Ngoài thịt, cá, trứng, sữa… cha mẹ cần tăng cường cho trẻ ăn nhiều rau xanh, đặc biệt những loại rau có nhiều sinh tố C, chất khoáng sẽ giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Cha mẹ cần tiêm chủng đầy đủ cho bé; Tránh yếu tố nguy cơ gây bệnh như khói thuốc, than tổ ong, bụi, lông vật nuôi trong nhà (chó, mèo)…
Khi thấy trẻ có biểu hiện ho, sổ mũi, thở nhanh, sốt, bú kém (với trẻ còn bú mẹ) cần đưa đi khám bác sĩ ngay, tránh tình trạng tự cho trẻ uống thuốc vì dễ làm trẻ nhờn thuốc, giảm hiệu quả điều trị, vừa gây tác hại (bị biến chứng dẫn tới viêm xoang, viêm tai, viêm phế quản, phổi…) làm việc điều trị càng trở nên phức tạp và tốn kém.
Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Quang Hưng