Bệnh lao chủ yếu lây theo đường hô hấp. Người lao phổi có BK (+) khi ho, khạc các hạt nước bọt có chứa trực khuẩn lao văng ra ngoài không khí, lơ lửng trong không khí, những người xung quanh hít thở có thể hít các hạt này vào phổi. Trực khuẩn lao qua đó xâm nhập vào cơ thể.
Như vậy điều kiện cần là phải có trực khuẩn lao trong không khí thở hít. Trực khuẩn lao càng nhiều khả năng lây lan càng lớn. Đờm của người lao phổi BK (+) cũng chứa nhiều, BK càng dễ lây.
Trong đờm, BK có điều kiện tồn tại tốt hơn, lâu hơn trong nước bọt, trong các chất khạc. Người có BK (+) qua soi kính hiển vi trực tiếp là người có thể gây lao nhiều hơn người có BK chỉ phát hiện được bằng nuôi cấy vì trong đờm của họ chứa nhiều BK hơn.
Những người sống chung, hoặc sống gần người lao thì khả năng hít phải BK do người lao làm thoát ra ngoài không khí sẽ nhiều hơn những người khác, vì thế khả năng bị lây lao cao hơn. Thầy giáo, cô giáo bị lao thì học sinh ngồi những bàn phía trên, gần bàn thầy hoặc ngồi những bàn trên dọc đường đi khi giảng bài của thầy có tỷ lệ nhiễm lao cao hơn các học sinh ngồi ở các bàn xa, các bàn phía sau.
Người mẹ bị lao cho con bú, người bà bị lao thường xuyên ôm ẵm, trông nom cháu là nguồn lây quan trọng nhất, thường thấy nhất đối với trẻ nhỏ.
Do vậy người lao phổi BK (+) cần tránh ho, khạc, nói chuyện mặt đối mặt với mọi người. Người mẹ hoặc bà bị lao cốt nhất tránh tiếp xúc với trẻ hoặc ít nhất khi phải tiếp xúc (cho bú v.v…) mà không đừng được thì phải đeo khẩu trang (không chỉ che miệng mà phải che cả mũi). Người lao phổi BK (+) nếu được điều trị đầy đủ bằng thuốc chữa lao thì khả năng làm lây lao sau 2 – 3 tuần chữa trị sẽ giảm đi nhiều.
Bệnh lao cũng có thể lây theo đường ăn uống khi uống sữa bò tươi của các con bò bị lao mà sữa chưa tiệt khuẩn, khi ăn các thức ăn bị lây nhiễm trực khuẩn lao…, có thể bị lao khi trực khuẩn lao qua các vùng cơ thể bị tổn thương (da, mắt v.v…) lọt vào cơ thể, nhưng đường lây lao quan trọng nhất chính là đường hô hấp.