Có thể nói gan nhiễm mỡ là sản phẩm của nền công nghiệp fast food với chế độ ăn nhanh, không theo bất cứ thời gian nào và có quá nhiều calo, chất béo. Nếu không được điều trị mà cứ kéo dài tình trạng, người bệnh có nguy cơ cao mắc chứng xơ cứng gan.
Vậy có thể phòng được bệnh gan nhiễm mỡ hay không?
Khi hàm lượng mỡ trong gan tăng cao, vượt quá 10% trọng lượng của gan hoặc khi 50% tổ chức của gan bị mỡ hoá thì có nghĩa, bạn đã bị gan nhiễm mỡ.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó, thói quen ăn uống không khoa học, ăn vặt, ăn khuya… là một trong những nguyên nhân làm rối loại hệ bài tiết, khiến người hay ăn vặt nhiều có nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ. Những người nghiện rượu, béo phì, tiểu đường, viêm gan giai đoạn cuối cũng có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Những triệu chứng của gan nhiễm mỡ thường không điển hình, đôi khi giống như bị viêm gan mức độ nhẹ và thường rất ít vàng da, nếu có cũng là rất ít.
Muốn phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ, cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
Ăn uống điều độ, đúng bữa, đúng giờ. Hạn chế tối đa các chất béo, mỡ động vật. Bữa ăn cần cân đối giữa rau quả và các chất đạm. Không nên ăn các thức ăn quá giàu đạm như nội tạng động vật, da gà, thịt mỡ, gạch cua, ăn quá nhiều trứng gà một ngày.
Nên đưa vào thực đơn của bạn những món luộc thay thế cho món rán, chiên mỡ, chiên bơ. Tăng cường ăn rau xanh và quả tươi. Không nên ăn nhiều thịt mà nên tăng cường ăn cá, tôm, cua, đậu…
Không nên ăn bữa tối quá muộn và nên ăn ít, trước khi đi ngủ không nên ăn nhẹ. Nếu uống sữa chỉ nên dùng các loại sữa không đường, ít chất béo, mà tốt nhất là nên ăn sữa chua.
Mỗi ngày chỉ nên ăn nhiều nhất là 5g muối.
Tập luyện thể thao hợp lý.
Hồng Hải