“Trở thành mẹ lần đầu, tôi vừa hạnh phúc vừa hồi hộp và cả lo lắng khi được chăm sóc đứa con yêu dấu. Do thiếu kinh nghiệm và tâm lý bất an nên khi thấy con bị trướng bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, ăn không tiêu… thì tôi lo sợ vô cùng, không biết xử trí thế nào để giúp con mau khoẻ”, chị Ngọc Dung (Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) giãi bày băn khoăn với một bà mẹ khác khi ngồi chờ đến lượt khám tại bệnh viện Nhi Đồng II. Thật ra, để phòng ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn đầu đời cũng không phải quá phức tạp.
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Với trẻ khi bắt đầu ăn dặm thì thức ăn lỏng như sữa không còn là nguồn dinh dưỡng duy nhất. Hệ tiêu hóa của bé lúc này còn non nớt nên khó có thể đáp ứng kịp sự thay đổi đột ngột khi chuyển từ bú sữa sang ăn dặm. Mặt khác, sau 6 tháng trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn do khả năng chống đỡ bệnh tật được mẹ truyền cho đã giảm đi trong khi khả năng tự bảo vệ của bé chưa phát triển đầy đủ, trẻ thường phải dùng kháng sinh. Cả hai lý do trên đều làm cho hệ vi sinh đường ruột của trẻ dễ bị mất cân bằng do một số các vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mà rất nhiều trẻ em mắc phải: rối loạn tiêu hóa.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai (phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: “Một nguyên nhân quan trọng và phổ biến gây ra rối loạn tiêu hóa là do hệ vi sinh đường ruột của trẻ bị mất cân bằng nên cách giải quyết khá hiệu quả là bổ sung men vi sinh sống (chứa nhiều vi khuẩn có ích) để giúp trẻ thiết lập lại sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột đã bị phá vỡ…”.