Khi bước qua tháng thứ 6, trẻ bắt đầu được thay đổi chế độ ăn từ sữa sang các thức ăn đặc hơn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và vận động giai đoạn này. Đây là một trong những bước thay đổi quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ. Tuy nhiên, do hệ tiêu hóa của trẻ lúc này còn non nớt nên chưa thể đáp ứng kịp sự thay đổi đột ngột này và hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng do một số các vi khuẩn có ích bị tiêu diệt. Vì vậy trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Để tránh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, khi cho trẻ ăn dặm, cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc:
– Ăn từ ít đến nhiều.
– Ăn từ loãng đến sệt và đặc dần.
– Ăn từ đơn giản đến phức tạp hơn: thay đổi thức ăn, cách chế biến, màu sắc…
– Ăn chỉ một lần trong ngày.
Khi cho bé ăn dặm, bạn không nên cho bé ăn quá nhiều (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, do quá lo lắng cho chế độ dinh dưỡng của con mà các bậc cha mẹ hay mắc một số sai lầm:
– Quá ưu tiên đạm: Nhiều bà mẹ nấu bột cứ cho thật nhiều thịt, cá, trứng… và nghĩ như thế mới đủ chất nhưng lượng đạm quá nhiều không những làm trẻ rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ. Chén bột cho trẻ phải đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm: Đạm, tinh bột, rau củ, béo, với lượng đạm là 15g/chén bột (tương đương 1 muỗng canh gạt).
– Cho trẻ ăn dặm quá sớm: Thời điểm được khuyến cáo để cho trẻ bắt đầu ăn dặm là tháng thứ 6. Nếu ăn sớm hơn, do hệ tiêu hóa còn non yếu nên sự hấp thu sẽ kém khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, suy dinh dưỡng.
– Cho trẻ ăn các chế phẩm từ sữa trước 12 tháng tuổi: Tất cả những chế phẩm có nguồn gốc từ sữa bò nguyên thể (sữa chưa được xử lý để phù hợp với trẻ dưới 12 tháng tuổi) như váng sữa, sữa chua, phô mai… đều chỉ nên dùng cho trẻ trên 12 tháng tuổi.
– Cho trẻ ăn quá nhiều: Trẻ 6 tháng tuổi chỉ cần ăn 1 – 2 muỗng nhỏ bột/ 1 lần, và chỉ ăn 1 lần/ngày. Nếu cho trẻ ăn nhiều hơn, lượng thức ăn sẽ vượt quá khả năng tiêu hóa của trẻ. Khi thức ăn không tiêu hóa được sẽ không được hấp thu khiến trẻ đi phân sống.