Xơ gan là khi các mô gan dần bị thay thế bằng mô xơ, sẹo làm mất chức năng gan. Đây chính là gian đoạn cuối của bệnh gan mãn tính, có tỷ lệ tử vong từ 34-66% chỉ trong vòng 10 năm. Mặc dù tình trạng xơ gan hiện nay là đáng báo động nhưng rất nhiều người vẫn thờ ơ trong việc bảo vệ lá gan và phòng ngừa xơ gan. Hãy tìm hiểu đâu là thủ phạm gây nên xơ gan?
Virút viêm gan B – kẻ thù gây xơ gan số 1
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng hơn 1 triệu người tử vong do virút viêm gan B mãn tính tiến triển thành xơ gan, ung thư gan… Chính vì vậy, bất cứ ai khi phát hiện bị nhiễm loại virút này đều rất lo lắng, ăn không ngon ngủ không yên, vô hình chung lại làm cho bệnh lý thêm trầm trọng.
Thực tế cho thấy, không phải ai nhiễm HBV cũng dẫn tới viêm gan mãn tính, xơ gan và ung thư gan. Mỗi người có mật độ nhiễm virút viêm gan B khác nhau. Mật độ virút càng cao thì tế bào gan bị phá hủy càng nhanh, men gan tăng cao và gây nhiều biến chứng.
Ngược lại nếu biết cách bảo vệ lá gan, virút viêm gan B sống lành tính và không gây tổn thương gan. Do đó, khi phát hiện mình bị nhiễm virút viêm gan B, người bệnh không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ về quá trình theo dõi và điều trị.
Rượu – Tác nhân thúc đẩy xơ hóa gan
Rượu gây hại cho gan, điều này thì ai cũng biết. Nhưng rượu gây hại cho gan như thế nào và bao nhiêu rượu thì có thể “hạ gục” được gan thì ít người có thể trả lời được. Nghiên cứu cho thấy nếu mỗi ngày uống 1 xị rượu (250 ml) hoặc nửa lít bia thì trong vòng 10 năm có thể sẽ dẫn đến xơ gan. Đặc biệt, trên cơ địa người bị viêm gan virút B, C hoặc người có tiền sử các bệnh về gan thì xơ gan tiến triển nhanh hơn.
Thông thường khi uống rượu, gan sẽ là nơi chuyển hóa và đào thải rượu ra ngoài cơ thể. Nhưng việc uống quá nhiều bia rượu hoặc uống trong thời gian dài khiến gan trở nên “quá tải”, lượng men gan cũng không đủ để tham gia vào quá trình giải độc rượu. Bia rượu làm giảm glutathione (chất bảo vệ nhu mô gan), gây tổn thương tế bào và làm suy giảm chức năng gan. Ở một số bệnh nhân, rượu có thể gây viêm gan cấp tính, còn đa phần các trường hợp rượu sẽ “nhâm nhi” gan từng ngày, từng tháng. Ban đầu chỉ là gan nhiễm mỡ, sau đó là viêm gan mãn tính và nặng nhất là xơ gan.