Viêm đại tràng cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra do vi khuẩn do ký sinh vật. Trong phạm vi bài này chúng tôi xin trình bày nhóm bệnh hay gặp ở Việt Nam là viêm đại tràng cấp do lỵ trực tràng Shigella và do lỵ amip.
>> Dấu hiệu viêm đại tràng
>> Viêm loét đại tràng chảy máu – Bệnh dễ nhầm lẫn kiết lỵ
Viêm đại tràng mạn tính (VÐTMT) bao gồm một nhóm bệnh mạn tính ở đại tràng, vì có chung một số các triệu chứng gần giống nhau nên trước đây được gọi dưới tên chung là VÐTMT. Ngoài những triệu chứng ở đại tràng, VÐTMT còn có các biểu hiện bệnh lý ở các cơ quan khác như xương khớp, mắt, gan mật, tụy, thận… Triệu chứng chung của các bệnh VÐTMT bao gồm: đau bụng dưới các mức độ khác nhau từ đau bụng âm ỉ đến đau bụng dữ dội, đầy hơi, chướng bụng, rối loạn đại tiện như ỉa lỏng, táo bón, khi ăn thức ăn lạ, ăn mỡ là đi lỏng, phân sống, phân có nhầy hoặc máu. Bệnh nhân có thể sốt hoặc không sốt, có thể gầy sút hoặc vẫn bình thường.
Viêm đại tràng do lỵ amip (Entamoeba Hystolyca)
Hầu hết nhiễm trùng ở dạng mang mầm bệnh không có triệu chứng, một số bệnh nhân có ỉa chảy nhẹ kéo dài, hoặc gây triệu chứng lỵ cấp.
Viêm đại tràng cấp do amip có các triệu chứng sau: đau bụng bên phải, bên trái hoặc đau khắp bụng, mót rặn, đau rát hậu môn, phân có máu, đi lỏng với số lượng phân không nhiều nhưng đi nhiều lần, đi lỏng nhiều lần có thể gây mất nước, trụy tim mạch ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân. Khi bị viêm đại tràng cấp do amip có thể gây áp xe gan- phổi, do amip chui qua chỗ niêm mạc đại tràng bị tổn thương vào tĩnh mạch cửa gây áp xe gan- phổi.
Những biến chứng có thể gặp: Thủng ruột gây viêm phúc mạc, đây là biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời dẫn tới tử vong, biến chứng chảy máu, đôi khi phải truyền máu.
Để chẩn đoán viêm đại tràng cấp do amip cần hỏi kỹ tiền sử có bệnh lỵ không, có triệu chứng đau quặn bụng, mót rặn ỉa máu.
Soi đại tràng Sigma và trực tràng: có các ổ loét giống như hình khuy áo. Trên ổ loét có các chất nhầy bám, xét nghiệm có thể thấy amip ăn hồng cầu (loại amip gây bệnh) ở chất nhầy.
Xét nghiệm phân: Soi phân tìm amip ăn hồng cầu, chụp X-quang đại tràng có thể thấy chỗ thụt hoặc hình ảnh khối u amip.
Viêm đại tràng do lỵ trực tràng (Shigella)
Viêm đại tràng cấp do Shigella có thể có các triệu chứng từ nhẹ tới nặng: Có thể ỉa lỏng nhẹ, nếu nặng có các biểu hiện đau quặn bụng, mót rặn, ỉa máu, sốt và các dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc như sốt cao mệt mỏi, hốc hác, rối loạn nước, điện giải dẫn đến trụy tim mạch.
Ngoài các biểu hiện ở đường tiêu hoá, viêm đại tràng cấp do lỵ trực tràng còn có các triệu chứng ngoài đường tiêu hoá như viêm kết mạc, viêm âm đạo, viêm phổi, viêm khớp, viêm màng não, nhiễm trùng huyết…
Biến chứng của bệnh: Thủng đại tràng, suy dinh dưỡng, viêm loét đại tràng.
Để chẩn đoán nguyên nhân viêm đại tràng cấp do lỵ trực tràng thì cần cấy phân và soi phân tươi tìm vi khuẩn lỵ là quan trọng và cần thiết nhất.
Soi trực tràng: Phát hiện hình viêm xung huyết, hoặc xuất huyết, kèm theo những vết loét nông, trên ổ loét có nhầy, có thể tìm thấy vi khuẩn lỵ ở trong những chất nhầy này.
Để chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân của bệnh viêm đại tràng cấp do lỵ amip và lỵ trực tràng quan trọng nhất là phải soi phân và cấy phân để tìm vi khuẩn gây bệnh.
Các thể bệnh
Trong nhóm bệnh VĐTMT có một số các biến chứng giống nhau như: hẹp đại tràng, tắc ruột chảy máu và đặc biệt trong bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu (VLĐTTCM) hoặc bệnh Crohn còn biến chứng ung thư đại tràng.
Bệnh VLÐTTCM
Cơ chế sinh bệnh chưa rõ, ngày nay được coi là bệnh tự miễn, nguyên nhân do môi trường, do nhiễm khuẩn. Bệnh diễn biến từng đợt, tổn thương ngày càng lan rộng, triệu chứng giống như bệnh VĐTMT. Khi mới mắc bệnh, bệnh nhân không gầy sút, khi bệnh nặng có thể gầy sút. Ngoài các triệu chứng ở đại tràng, còn có các triệu chứng khác như sưng đau các khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp cùng chậu, viêm màng bồ đào, viêm mống mắt…
Các biến chứng của VLĐTTCM là: Bán tắc ruột, thủng ruột chảy máu hoặc ung thư.
Bệnh Crohn: Gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ cho tới người lớn, đặc biệt ở tuổi từ 20 đến 40.
Đau bụng, ỉa lỏng, có thể chán ăn, gầy sút. Ngoài các triệu chứng ở ống tiêu hóa, còn có các triệu chứng ở các cơ quan khác như viêm đa rễ thần kinh làm giảm các phản xạ, giảm cảm giác ngoại biên, viêm xơ đường mật, viêm tụy, tăng nguy cơ sỏi thận, viêm màng bồ đào, viêm mống mắt, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp cùng chân. Các biến chứng của bệnh Crohn là bán tắc ruột, tắc ruột, chảy máu và ung thư.
Lao đại tràng: lao ống tiêu hóa thường gặp ở ruột non nhưng có thể lao ở đại tràng nhất là manh tràng. Các triệu chứng của bệnh lao đại tràng: đau bụng, sốt, rối loạn đại tiện, đi ngoài lúc lỏng lúc táo.
Các biến chứng của bệnh lao ruột: bán tắc ruột, tắc ruột, thủng ruột, gây viêm phúc mạc có thể gây tử vong.
Viêm đại tràng mạn tính do amip: sau một giai đoạn viêm đại tràng cấp tính, hay bán cấp do amip, bệnh trở thành mạn tính với từng đợt tiến triển không tìm thấy amip ăn hồng cầu (loại amip gây bệnh), thậm chí còn amip trong đại tràng, nhưng do vách ruột bị xơ chai do quá trình viêm nhiễm làm tổn thương hệ thần kinh thực vật trong lòng đại tràng làm cho chức năng của đại tràng không còn bình thường nữa. Các triệu chứng bao gồm: đau bụng liên tục hay từng cơn kèm theo đầy bụng, ỉa lỏng, kém ăn, sụt cân.
Viêm đại tràng collagen: có các triệu chứng trên nhưng không bao giờ ỉa máu.
|
Chẩn đoán xác định nhóm bệnh VÐTMT
Ở những người có tiền sử bệnh lỵ amip có các triệu chứng đau bụng, đầy bụng, chướng bụng, rối loạn về đại tiện và tính chất phân có nhầy, có máu, phân sống. Người bệnh thường có sốt nhẹn, gầy sút.
Chụp X-quang đại tràng có thụt thuốc cản quang: có thể thấy hình ảnh hẹp ruột, loét hoặc khối u.
Xét nghiệm phân: tìm hồng cầu, bạch cầu, hệ thống vi khuẩn trong phân, nấm, amip. Lấy phân tìm nấm, vi khuẩn lao.
Để chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân các bệnh viêm đại tràng mạn, quan trọng nhất là phải soi đại trực tràng, kết hợp với sinh thiết để tìm những tổn thương đặc hiệu cho từng loại bệnh viêm đại tràng mạn.
Hình ảnh soi của bệnh viêm loét đại trực tràng mạn tính: niêm mạc phù nề, sung huyết, dễ chảy máu, có thể thấy những ổ loét nhỏ như hình “bấm móng tay, hình ảnh giả polyp. Khi sinh thiết để làm xét nghiệm mô bệnh học thấy niêm mạc phù nề sung huyết và xuất huyết, thấy tế bào viêm rất đặc hiệu cho bệnh VLĐTTCM, đó là tế bào viêm một nhân lympho – Plasmocyte, thấy tổn thương có các ổ áp-xe nhỏ ở đáy tuyến.
Hình ảnh nội soi đại trực tràng của bệnh Crohn: thấy hình ảnh loét xen lẫn tổ chức lành và ổ loét tạo thành hình ảnh “lát đá”. Hình ảnh tổn thương rất đặc biệt: ở thành ruột có các tổ chức hạt cấu tạo bởi các tế bào một nhân lympho plasmocyte liên bào và các tế bào khổng lồ.
Hình ảnh nội soi của lao đại tràng: tổn thương thường thấy ở đoạn cuối của đại tràng (manh tràng) và đoạn cuối của ruột non (hồi tràng): thấy hình ảnh loét, giả polyp. Khi sinh thiết làm xét nghiệm tế bào thấy có tổn thương đặc hiệu của lao.
Hình ảnh nội soi của viêm đại tràng mạn tính do amip: soi trực tràng thấy niêm mạc trực tràng mất tính chất nhẵn bóng, phù nề, xung huyết. Sinh thiết làm xét nghiệm tế bào thấy tế bào viêm không đặc hiệu, rất hiếm khi tìm thấy amip trong niêm mạc trực tràng.
Hình ảnh nội soi trong viêm đại tràng do bệnh Collagene: soi đại trực tràng chỉ thấyniêm mạc mất tính chất nhẵn bóng, xung huyết và xuất tiết. Xét nghiệm tế bào khi sinh thiết thấy có nhiều sợi collagene ở dưới lớp niêm mạc.
Cần chẩn đoán phân biệt các bệnh viêm đại tràng mạn tính với các bệnh đại tràng nào?
Trước tiên là cần phân biệt với bệnh ung thư đại tràng vì bệnh ung thư đại tràng cùng có các triệu chứng đau bụng, ỉa máu, đầy bụng… do đó cần phải được soi đại tràng, sinh thiết tổn thương để phát hiện ung thư đại tràng càng sớm càng tốt. Điều trị ung thư đại tràng sớm kết quả sẽ tốt hơn nhiều so với ung thư giai đoạn muộn.
Bệnh đại tràng cơ năng: Còn gọi là hội chứng ruột kích thích, là một bệnh phổ biến, lành tính, yếu tố thần kinh, tâm lý là những nguyên nhân thuận lợi cho hội chứng này. Trong hội chứng ruột kích thích, cùng có các triệu chứng: đầy hơi, trướng bụng, rối loạn đại tiện, lúc ỉa lỏng, lúc táo bón hoặc xen kẽ giữa ỉa lỏng và táo bón, phân có nhày. Tuy nhiên không có một tổn thương nào ở niêm mạc đại tràng.
Rối loạn vi khuẩn đường ruột: trong đường ruột có hai hệ thống vi khuẩn: hệ thống vi khuẩn phân giải chất đạm (protein) gọi là vi khuẩn lên men thối, và hệ thống vi khuẩn phân giải chất đường gọi là vi khuẩn lên men chua. Hệ thống vi khuẩn phân giải chất đường dễ bị tấn công bởi các yếu tố như: khi bị nhiễm nhiều vi khuẩn gây bệnh, rượu, stress, lạm dụng kháng sinh làm cho sự cân bằng giữa hai hệ thống vi khuẩn trên bị phá vỡ tạo cơ hội cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh gây nên tiêu chảy. Để chẩn đoán chính xác các bệnh viêm đại tràng mạn tính và nguyên nhân cần hỏi kỹ tiền sử bệnh, các triệu chứng đau bụng, đầy bụng trướng hơi, thăm khám xem có khối u hay không và đặc biệt là soi phân, cấy phân, soi đại trực tràng kết hợp với sinh thiết để phát hiện những tổn thương đặc hiệu của mỗi bệnh.
TS. BS. Phạm Thị Bình
Số điện thoại tư vấn: 043.995.3167