Các loại thuốc phục hồi liệt mặt

Các loại thuốc phục hồi liệt mặt

 Liệt mặt do lạnh là một chứng bệnh rất hay gặp vào những đợt lạnh đầu mùa hoặc những ngày rét đậm. Người bệnh tự nhiên tỉnh dậy thấy mình bị liệt hẳn một nửa bên mặt và rất kinh ngạc về điều này. Các thuốc chống liệt mặt sẽ có tác dụng trong các trường hợp mắc bệnh này.

Sự vận động cơ mặt do một dây thần kinh chi phối là dây thần kinh số VII. Nếu dây thần kinh này bị liệt hoặc bị mất chức năng thì mặt sẽ bị liệt luôn.

Có nhiều giả thiết về hiện tượng liệt mặt do lạnh nhưng người ta thường cho là nhiệt độ lạnh làm co mạch nuôi dưỡng dây thần kinh nên làm dây thần kinh mất chức năng. Đồng thời, lạnh còn làm viêm vô khuẩn những tế bào trong vùng phân bố. Hiện tượng viêm vô khuẩn gây ra phù và chèn ép thần kinh càng làm cho liệt nặng nề.

Để trả lại chức năng cho dây thần kinh số VII, chúng ta cần tác động vào chính những khâu mà bệnh lý gây ra. Trong đó các thuốc chống viêm mạnh, các thuốc giãn mạch tỏ ra có hiệu quả tức thời. Còn các thuốc làm tăng tính dẫn truyền thần kinh và tái tạo sợi thần kinh có tác dụng cải thiện chậm hơn nhưng lại mang tính hiệu quả triệt để lâu dài.

Thuốc chống viêm

Các thuốc chống viêm sử dụng ở đây phải là các thuốc chống viêm mạnh. Những thuốc này hoặc là phải ức chế sự hóa ứng động của bạch cầu hoặc là phải ức chế các chất trung gian hóa học của viêm như prostaglandin. Có ba thuốc đáp ứng được yêu cầu này.

 

Acetyl salicylic (aspirin): Đây là thuốc có tác dụng chống viêm tốt, không chỉ với bệnh viêm khớp như ưu thế của dòng họ nhà thuốc chống viêm non-steroid mà còn có tác dụng chống viêm với nhiều loại viêm khác như viêm do chấn thương, viêm do lạnh. Lẽ tất nhiên, thuốc vẫn có những tác dụng khác như hạ sốt, giảm đau, chống ngưng tập tiểu cầu.

 
Tuy nhiên, để có được liều chống viêm, chúng ta phải dùng liều tương đối cao đến 3g/ngày hoặc phải dùng dưới dạng tiêm. Với liều cao này, chúng ta phải đặc biệt lưu ý biến chứng viêm loét dạ dày và chảy máu tiêu hóa ở người bệnh. Cần nhớ là không được ăn thức ăn chua, cay trong quá trình uống thuốc. Thời gian uống thuốc chỉ cần 3-5 ngày là đủ.
 
Ngoài aspirin cần phải nhắc đến hai đại diện thuốc chống viêm khác là betamethason và dexamethason. Chúng thuộc nhóm thuốc chống viêm corticoid. Song trong họ hàng nhà corticoid, chỉ có hai thuốc này có tác dụng chống viêm mạnh, xứng đáng được lựa chọn. Chúng có tác dụng đặc biệt mạnh chống lại sự hóa ứng động bạch cầu, chống lại sự tổng hợp ra các chất trung gian hóa học nguy hại của viêm như prostaglandin, leukotrien.
 
Nếu coi đơn vị chống viêm của prednisolon (loại thuốc thường gặp) là 1 thì tác dụng của hai thuốc này là 30. Liều dùng phải đạt đến 2-4mg/ngày thì thuốc mới đạt được hiệu lực mạnh. Thường thì dùng dưới dạng tiêm sẽ nhanh đạt được tác dụng. Thời gian dùng chỉ nên là 3-5 ngày. Nếu tiêm thì chỉ tiêm trong 2 ngày đầu sau đó phải chuyển sang dạng uống. Cần đặc biệt lưu ý tới biến chứng phù và loét tiêu hóa khi dùng thuốc.

Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh

Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh tỏ ra có ưu điểm trong vấn đề điều trị liệt dây VII do lạnh. Vì lúc này dây thần kinh có thể bị mất một phần hay toàn phần chức năng dẫn truyền nên mới gây ra hiện tượng liệt. Nếu như chúng ta có thể phục hồi được chức năng dẫn truyền thì coi như giải quyết được khâu trọng yếu, cho dù nguyên nhân gây ra có là gì.

Thuốc khá điển hình và được cho là có tác dụng ưu thế là galatamin. Galatamin là một alkaloid được chiết xuất từ thảo dược. Nó có tác dụng tương đối mạnh và có nhiều tác dụng được ứng dụng trên lâm sàng như điều trị bệnh Alzheimer, bệnh nhược cơ, loạn dưỡng cơ, rối loạn thần kinh cảm giác. Một trong các tác dụng đó là kháng lại enzym acetyl cholinesterase.
 
Kháng lại enzym này thì kéo dài được sự tồn tại của acetylcholin trong hoạt động kết nối thần kinh. Đây là một chất trung gian thần kinh quan trọng giúp phục hồi dẫn truyền. Galatamin được chứng minh là có tác dụng ở các bệnh thần kinh do rối loạn vận mạch, rối loạn thần kinh do viêm như trong liệt dây VII.

Vì thế dùng thuốc có thể có tác dụng phục hồi nhanh chóng về triệu chứng liệt cho người bệnh. Lẽ dĩ nhiên, tác dụng chỉ là một phần. Thuốc đòi hỏi cũng phải dùng liều cao và kéo dài từ 7-10 ngày. Nếu có điều kiện thì nên đến các cơ sở y tế có khoa vật lý trị liệu để thực hiện biện pháp điện di nivalin thì tốt hơn. Vì điện di sẽ giúp đưa thuốc ngấm nhanh, mạnh, tại chỗ theo sự dẫn dắt của dòng điện.

Thuốc giãn mạch

Cơ chế gây bệnh là co mạch hay là rối loạn vận mạch nên các thuốc giãn mạch đã tác dụng vào cơ chế này. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần thận trọng. Nếu chúng ta dùng bất kỳ một loại thuốc giãn mạch nào mà không có sự lựa chọn có thể sẽ làm cho bệnh nặng thêm. Vì giãn mạch quá mức có thể gây ra phù tiến triển ở những mô đang bị tổn thương. Nó càng làm cho dây VII chậm hồi phục. Trong các thuốc giãn mạch chỉ nên chọn các thuốc chẹn canxi có ưu thế trên mạch máu của hệ thống đầu mặt cổ.

Đại diện điển hình có thể xem xét đó là vinpocetine. Đây là một dẫn xuất của vincamin, một alkaloid thực vật, có tác dụng chẹn canxi có ưu thế trên mạch máu thuộc hệ thống đầu mặt cổ. Khi canxi bị ức chế do thuốc, chúng sẽ không thể hiện được tác dụng trên hệ thống cơ vòng của các tiểu động mạch. Các cơ vòng không thể co thắt lại được hoặc chính xác ra là không thể co lại tối đa được.
 
Hiệu quả tiếp theo là mạch máu được giãn ra và tăng cường nuôi dưỡng cho vùng thiếu máu. Bên cạnh đó, thuốc còn có tác dụng chống viêm nhưng yếu, cũng là một điểm lợi được khai thác trong bệnh lý liệt mặt. Khi dùng hết sức chú ý tới tình trạng hạ huyết áp, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt và buồn nôn.

Ngoài ra, trong bệnh liệt dây VII còn có thể dùng thêm một số thuốc khác như thuốc tăng tái tạo bao thần kinh, các chất chống gốc tự do, các vitamin nhóm B đặc biệt là vitamin B1, các thuốc lợi tiểu nhẹ nếu bệnh nhân có phù rõ, các kháng sinh bổ trợ nếu có nhiễm khuẩn. Việc phối hợp thuốc như thế nào người bệnh cần đi khám và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.           

BS.Vũ Huy Hiệu