Viêm bàng quang ảnh hưởng như thế nào lên thai kỳ?

Viêm bàng quang ảnh hưởng như thế nào lên thai kỳ?

>> Tại sao phụ nữ hay bị viêm bàng quang?

>> Nhiễm khuẩn niệu lúc mang thai: Dùng thuốc thế nào?

Bàng quang là một cơ quan quan trọng trong hệ tiết niệu của con người. Bàng quang nằm ở phần bụng dưới, trong vùng xương chậu, ngay sau xương mu. Bàng quang là một túi cơ có thể giãn rộng chứa được khoảng nửa lít nước tiểu (đã lọc qua thận). Khi bàng quang căng đầy sẽ co bóp để tống nước tiểu xuống theo niệu đạo ra ngoài.

Viêm bàng quang là sự nhiễm khuẩn bàng quang, một hội chứng bao gồm nhiều bệnh lý khác nhau do nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm bàng quang có thể gặp trong cộng đồng nhưng hay gặp hơn trong nhiễm khuẩn bệnh viện.

Khoảng 20% phụ nữ thường xuyên bị viêm bàng quang. Sở dĩ phụ nữ dễ mắc bệnh viêm bàng quang là vì trong số nhiều yếu tố gây lây nhiễm qua đường tiểu thì chủ yếu là do cấu tạo của cơ quan sinh dục nữ: niệu đạo ngắn nên mầm bệnh ở vùng hậu môn thường di chuyển dễ dàng đến bàng quang.

Viêm bàng quang xảy ra dưới 2% các phụ nữ mang thai, nhiều nhất là vào tam cá nguyệt thứ hai.

Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị viêm bàng quang nhiều hơn vì đây là giai đoạn thay đổi hormon mạnh mẽ nhất. Trong thời gian mang thai đường tiểu của người phụ nữ trở nên mềm hơn và giãn nở hơn, làm tăng nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập do đó dễ mắc chứng viêm bàng quang hơn.

Triệu chứng:

Có hai loại: viêm bàng quang cấp tính và viêm bàng quang mãn tính.

* Viêm bàng quang cấp tính:

Đây là loại hay gặp nhất trong các loại viêm đường tiết niệu dưới (niệu quản, bàng quang, niệu đạo). Thương tổn chủ yếu xảy ra tại niêm mạc bàng quang với các hình thái phù nề, sung huyết.

– Các triệu chứng thường xảy ra đột ngột như tiểu buốt kèm theo đau dọc từ niệu đạo lên bàng quang. Đau buốt kéo dài trong suốt thời gian đi tiểu nhất là buốt lúc cuối dòng và còn kéo dài sau khi tiểu hết nước tiểu trong nhiều phút. Do niêm mạc bàng quang bị viêm, dễ bị kích thích làm bệnh nhân lúc nào cũng có cảm giác buồn đi tiểu nên số lần đi tiểu tăng lên và tiểu gấp. Tuy nhiên, vì mỗi lần đi tiểu đều bị đau buốt nên bệnh nhân phải tạm dừng, không tiểu hết nước tiểu. Nước tiểu thường đục ở đầu bãi hoặc toàn bãi, đôi khi nước tiểu có máu (đại thể hoặc vi thể).

Bệnh nhân thường có cảm giác tức ở vùng dưới rốn (vùng tương xứng với vị trí của bàng quang).

Mặc dầu bệnh nhân có nhiễm khuẩn thực sự nhưng không sốt và cũng thường không có các triệu chứng toàn thân khác đi kèm.

– Cặn lắng nước tiểu chứa tế bào mủ, vi khuẩn, hồng cầu có khi rất nhiều.

* Viêm bàng quang mãn tính:

Nếu viêm bàng quang cấp tính mà không chẩn đoán và điều trị đúng thì rất dễ trở thành viêm bàng quang mãn tính. Do viêm nhiễm bàng quang lâu ngày nên thành bàng quang dày lên, xơ hóa làm cho tính đàn hồi của bàng quang bị suy giảm mỗi lần co bóp để tống nước tiểu ra ngoài nên sẽ có hiện tượng tiểu són.

Xử trí:

Viêm bàng quang thường không biến chứng, dễ xử trí. Tuy nhiên, vi trùng có thể lan lên đường niệu trên nên nếu viêm bàng quang không được phát hiện sớm và đã gây biến chứng có thể rất khó điều trị.

Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được chẩn đoán xác định. Khi bị viêm bàng quang, cần tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ và các tư vấn kèm theo. Viêm bàng quang được điều trị kháng sinh 7 – 10 ngày. Sử dụng kháng sinh có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng trong vài ngày nhưng cần phải điều trị đủ thời gian và liều lượng để diệt hết vi khuẩn ở đường niệu, không nên chỉ uống thuốc một vài ngày thấy hết triệu chứng thì ngừng thuốc vì như vậy sẽ làm tăng thêm tính kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh, nếu bị bệnh trở lại thì việc điều trị rất phức tạp. Nếu điều trị đúng, có thể khỏi bệnh nếu tình trạng nhiễm khuẩn chỉ giới hạn ở bàng quang và niệu đạo.

Đối với phụ nữ bị viêm bàng quang khi có thai hoặc có test dương tính với vi khuẩn đường niệu ngay lần khám thai đầu tiên thì cũng cần điều trị bằng kháng sinh 7 – 10 ngày (những loại kháng sinh có thể dùng khi có thai). Sau khi điều trị thì làm xét nghiệm nước tiểu lại để xem đã hết vi khuẩn đường niệu ( test âm tính) hay chưa. Nếu vẫn còn vi khuẩn đường niệu thì cần tiếp tục điều trị để phòng ngừa tái phát cho tới khi sinh và nên cấy nước tiểu định kỳ tìm vi khuẩn trong suốt thời gian mang thai để đảm bảo an toàn vì có khoảng 40% phụ nữ bị tái nhiễm. Viêm bàng quang cần phải điều trị dứt bệnh trước khi sinh.