Ai hay bị sỏi tiết niệu?

Ai hay bị sỏi tiết niệu?

>> Mắc bệnh sỏi thận vì dùng rau ngó tây

>> Trẻ bị sỏi thận vì… tăng cường canxi

Sỏi đường niệu ngày một gia tăng

Sỏi đường niệu là hiện tượng kết sỏi ở đường tiết niệu bao gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và một số trường hợp có cả sỏi niệu đạo thường là do sỏi từ bên trên đi xuống. Bệnh hay xảy ra ở người lớn tuổi, ít xảy ra ở trẻ em và thường có tiền sử bệnh lâu dài qua nhiều năm. Theo nhiều thống kê của Tổ chức Y học Thế giới, bệnh ngày một gia tăng nhất là ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Bệnh lại rất hay tái phát. Chính vì vậy, bệnh sỏi đường niệu đã và đang là vấn đề quan tâm sâu sắc của nhiều người và của ngành y học.

 

 Sỏi thận.

Bệnh dễ gây ra tắc nghẽn đường tiểu và từ đó gây nên hiện tượng nhiễm khuẩn tiểu, nặng hơn có thể gây thận ứ nước và suy thận mạn, một biến chứng gây tàn phế suốt đời cho bệnh nhân. Ngoài ra, sỏi niệu nhất là sỏi niệu quản thường gây ra cơn đau quặn thận, đau đến nỗi mà ai bị một lần là nhớ đời. Cụ Nguyễn Du ngày xưa đã mô tả cảnh Kim Trọng gặp Thúy Kiều: “Khi tựa gối, lúc cúi đầu, khi kề khúc mặt khi chau đôi mày”. Có lẽ chẳng phải cảm động vì gặp nhau đâu mà vì Kim Trọng đang bị đau quặn thận do sỏi niệu quản đấy (NV). Đau quá không có biện pháp giảm đau nào hữu hiệu cả.

Người mắc bệnh sỏi niệu lâu ngày nếu không được điều trị tốt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, lao động và sinh hoạt hằng ngày. Việc điều trị cũng khá tốn kém và là gánh nặng cho ngân sách bản thân, gia đình và xã hội.

Ai hay bị bệnh sỏi tiết niệu?

Bệnh sỏi đường tiết niệu hay xảy ra ở thận nhất, kế đó là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ít gặp hơn còn sỏi kẹt niệu đạo chỉ xảy ra ở đàn ông. Vì niệu đạo của đàn ông dài, sỏi khó thoát ra ngoài theo dòng nước tiểu.

Sỏi thường xảy ra ở đàn ông, với tỷ lệ 5 đàn ông mới có 1 phụ nữ mắc bệnh. Tuổi mắc sỏi niệu ở đàn ông trung bình từ 20 – 40 tuổi còn phụ nữ lại từ 25 – 40 tuổi. Tuy nhiên đến năm 55 tuổi trở lên, phụ nữ lại có nhiều người bị sỏi niệu. Nguyên nhân được các chuyên gia y học cho rằng do có sự thay đổi về nội tiết tố nữ và tình trạng loãng xương gia tăng ở lứa tuổi mãn kinh. Ở trẻ em, bệnh nhân mắc sỏi niệu thường dưới 10 tuổi, lứa tuổi từ 10 – 18 tuổi lại ít bị sỏi niệu hơn. Cũng chưa có lời lý giải nào khả dĩ chấp nhận được cho tình trạng trên.

Các chuyên gia về tiết niệu Trung Quốc nhận thấy rằng: sỏi niệu thường xảy ra ở người nông thôn hơn là người thành thị, những người sống ở các vùng ven biển và các vùng núi đá vôi, nguồn nước chứa quá nhiều canxi cũng dễ bị bệnh hơn các vùng khác.

Người ta thấy rằng những chủng tộc khác nhau có tỷ bệnh sỏi niệu khác nhau. Theo y văn thì những người da đen và những người ở vùng nhiệt đới có tỷ lệ mắc bệnh tương đối thấp. Có tới 30% bệnh nhân sỏi niệu có yếu tố di truyền trong gia đình. Có người cho rằng không có yếu tố di truyền trong gen của những người này mà do họ chung sống trong một gia đình, có cùng chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng như lao động nên dễ phát sinh bệnh sỏi niệu. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là sỏi niệu ở những bệnh nhân có yếu tố di truyền rất hay tái phát và thường khó điều trị.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh sỏi niệu

Sỏi niệu có liên quan khá mật thiết đến tình trạng khí hậu và thời tiết nơi sinh sống: khi khí hậu trở nên nóng bức, mồ hôi ra nhiều và nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa và dễ bị kết tủa tạo sỏi trong thận hoặc bàng quang. Việc phát bệnh sỏi niệu cũng liên quan mật thiết đến mùa: mùa hè và mùa thu bệnh dễ mắc hơn mùa xuân và mùa đông. Việc uống nhiều thức uống chứa đường trong mùa hè cũng là nguyên nhân gây sỏi niệu.

Sỏi niệu có liên quan mật thiết đến nghề nghiệp của bệnh nhân: những người làm việc ở môi trường nắng nóng như thợ luyện kim, công nhân xây dựng, thủy thủ, những người làm việc trí óc căng thẳng như bác sĩ, nhân viên văn phòng… dễ bị mắc bệnh hơn những người làm nghề lao động phổ thông. Có những công trình nghiên cứu cho thấy bệnh sỏi niệu có liên quan đến các loại hormon gây stress ở người.

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh bệnh, những người uống nhiều loại nước có chất canxi rất dễ bị bệnh, việc uống sữa quá nhiều cùng với các chất pha thêm vào sữa như melamin vừa qua cũng tăng nguy cơ gây bệnh vì tăng hàm lượng canxi hấp thu vào cơ thể. Uống ít nước, ăn quá mặn, ăn nhiều các thức ăn giàu canxi có mặt tốt nhưng cũng tăng nguy cơ bị bệnh lên cao.

Bệnh sỏi niệu có thể phòng ngừa được

Việc uống đủ nước, nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao, phòng tránh và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, có một chế độ ăn hợp lý, không quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi… là chúng ta có thể tránh được căn bệnh gây nhiều tác hại và đang là tiêu điểm của dư luận như hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam
(Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh)