Bệnh sỏi tiết niệu có nguy hiểm?

Bệnh sỏi tiết niệu có nguy hiểm?

Theo ước tính Việt Nam có 3% dân số (2,5 triệu người) mắc sỏi tiết niệu trong năm 2010 và có xu hướng ngày càng gia tăng. Hầu hết những người bị sỏi tiết niệu ở vào khoảng 40-50 tuổi. Có nhiều yếu tố gây bệnh sỏi tiết niệu như: di truyền, các dị dạng bẩm sinh đường tiết niệu, nhiễm khuẩn, chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý…

Sỏi tiết niệu là gì?

Sỏi tiết niệu được hình thành do sự lắng đọng của một số tinh thể trong nước tiểu ở đường niệu. Tùy theo vị trí, bệnh được gọi tên khác nhau như: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang.

Sỏi đường niệu hay xảy ra ở người lớn tuổi và rất hay tái phát.  Bệnh dễ gây ra tắc nghẽn đường tiểu và từ đó gây nên hiện tượng nhiễm khuẩn tiểu, nặng hơn có thể gây thận ứ nước và suy thận mạn, một biến chứng gây tàn phế suốt đời cho bệnh nhân. Ngoài ra, sỏi niệu nhất là sỏi niệu quản thường gây ra cơn đau quặn thận…Chính vì vậy, bệnh sỏi đường niệu đã và đang là vấn đề  được mọi người quan tâm.

 

Biểu hiện của bệnh:

– Người bệnh rất đau đớn mỗi khi đi tiểu. Tiểu buốt, gắt, tiểu són, nước tiểu màu hồng do có sự hiện diện của máu.

– Bệnh nhân sẽ sốt cao nếu sỏi đường tiết niệu bị nhiễm trùng.

– Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh có thể có cảm giác ớn lạnh, lạnh run, buồn nôn và  khi sốt.

Do hình thành một cách âm thầm và đến khi sỏi to bệnh nhân lên cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng thắt lưng, lan xuống vùng hạ vị, đến vùng bẹn và cơ quan sinh dục. Cơn đau thường xuất hiện sau khi vận động mạnh, khiến sỏi di chuyển tới chỗ chít hẹp, gây tắc đường niệu.

 

Bệnh có nguy hiểm?

Sỏi tiết niệu gây tắc đường niệu nên có thể dẫn tới nhiều biến chứng: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, choáng nhiễm khuẩn….Nếu không được điều trị kịp thời, chức năng thận sẽ bị suy giảm, gây tăng huyết áp…Bệnh nhân có thể tử vong. 

Bệnh sỏi niệu có thể phòng ngừa?

Do bệnh rất hay tái phát nên việc phòng bệnh là rất cần thiết. Theo các chuyên gia khoa tiết niệu cho biết: “Chế độ thực phẩm trong ăn uống và vận động khiến cấu tạo của sỏi tiết niệu ở nhiều người rắn chắc nên thường gây khó khăn cho việc điều trị. Với những bệnh nhân đã phẫu thuật cần lưu ý đến chế độ ăn hàng ngày hợp lý, không quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi… Không nén nhịn khi buồn đi tiểu. Nên uống nhiều nước khoảng 2 lít nước để mỗi ngày bài tiết được hơn 1,5 lít nước tiểu. Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, dắt thì nên dùng sớm các loại lợi tiểu sẵn có như râu ngô, mã đề…

Cần  khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị sỏi, tránh các biến chứng.

 Bác sĩ  Vũ Thị Thu