Trước đây, mang thai luôn được xem là nguyên nhân làm cho bệnh viêm cầu thận mạn nghiêm trọng thêm, nên đã có quy định người bị bệnh này không được mang thai, nếu có thai cũng phải bỏ. Tuy nhiên, khoảng hai thập niên lại đây, qua nghiên cứu, người ta thấy rằng người bệnh viêm cầu thận mạn vẫn có thể sinh đẻ. Điều này phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Viêm cầu thận mạn tính là bệnh có tổn thương tiểu cầu thận, tiến triển từ từ, kéo dài nhiều năm. Bệnh biểu hiện lâm sàng là phù, abumin và máu trong nước tiểu. Bệnh có thể làm giảm chức năng thận với biểu hiện huyết áp tăng cao, ambumin niệu, urê và creatinin trong máu tăng cao.
Viêm cầu thận mạn nếu chỉ có albumin niệu, huyết áp không cao, urê máu vẫn bình thường thì bệnh vẫn ở mức độ nhẹ. Trường hợp này, nếu mang thai, bệnh vẫn ổn định, trẻ ra đời có thể không bị ảnh hưởng gì. Nếu trong thời gian mang thai có đủ các triệu chứng: albumin trong nước tiểu, tăng huyết áp, urê máu tăng cao là bệnh ở giai đoạn cuối, đã nặng. Việc mang thai ở giai đoạn này là quá nguy hiểm, tiên lượng rất nặng.
Vì vậy, sau khi có thai, người phụ nữ phải nghỉ ngơi hoàn toàn để giảm nhẹ bệnh và ngăn ngừa sự phát sinh thêm triệu chứng. Vào những tháng cuối, nằm nghiêng, đề phòng tình trạng tử cung đè vào động mạch chủ làm lưu lượng máu cung cấp cho thận và tử cung giảm đi. Nếu không có dấu hiệu tăng urê máu, chỉ có lượng lớn albumin niệu thì phải ăn thức ăn giàu đạm như trứng, thịt, cá, đậu các loại. Khi có tăng urê máu, tăng axit uric máu, nước tiểu có albumin và tăng huyết áp, điều trị tích cực mà không thuyên giảm thì phải phá thai sớm.
Ở người bị viêm cầu thận, cuống nhau và nhau thai bị teo nhỏ, hoạt động kém gây suy thai, thai nhi bị suy dinh dưỡng và có thể bị chết lưu, vì vậy cần phải theo dõi số lần thai đạp để biết sự hoạt động của thai. Mỗi ngày theo dõi 3 lần vào buổi sáng, trưa và buổi tối, mỗi buổi theo dõi 1 tiếng. Thông thường mỗi tiếng thai nhi máy trên 3 lần. Nếu thấy ít hơn thì phải đi bệnh viện khám ngay.