Từ vỏ tôm, cua đến thuốc glucosamin sulfat

Từ vỏ tôm, cua đến thuốc glucosamin sulfat

Trước đây, mục đích chính của việc điều trị bằng thuốc với bệnh thoái hóa khớp là nhằm kiểm soát triệu chứng (chống đau, chống hạn chế chức năng) bằng các thuốc giảm đau nhóm không steroid, chứ không ngăn chặn được sự thoái hóa của tổ chức sụn khớp. Những năm gần đây xuất hiện một loại thuốc mới với trọng tâm điều trị là tận gốc, tập trung ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thay vì giải quyết các triệu chứng.

>> Sử dụng celecoxib trong giảm đau chống viêm

>> Bấm huyệt chữa đau khớp gối

Nguồn gốc thiên nhiên

Loại thuốc này là glucosamin, nó còn có tên gọi khác là chitosamin. Tên gọi này phản ánh nguồn gốc của hoạt chất, cấu tạo từ chitin của vỏ ngoài loài giáp xác (tôm, cua), vỏ sò… Glucosamin là một amin – monosaccharid, nguyên liệu để tổng hợp nên mucopolysaccharid, thành phần cơ bản cấu tạo nên sụn khớp. Do có nguồn gốc thiên nhiên, glucosamin được dung nạp tốt, hầu như không gây tác dụng phụ kể cả khi dùng lâu dài, được coi là một giải pháp an toàn và hiệu quả cho người bệnh thoái hóa khớp. Thực chất glucosamin chính là một hợp chất được tổng hợp tự nhiên trong cơ thể, nhưng khả năng tổng hợp này giảm đi đáng kể ở người cao tuổi, vì vậy cần phải bổ sung.

Có 3 dạng glucosamin với gốc muối khác nhau được sử dụng trong hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp là glucosamin sulfat, glucosamin hydroclorid, N – cetyl glucosamin. Tuy nhiên, glucosamin sulfat là hoạt chất có hiệu quả điều trị cao nhất, dễ hấp thu và dung nạp tốt nhất.

Tác dụng trực tiếp vào khớp

Trước đây, khi có đau khớp và hạn chế vận động, tốt nhất là nghỉ ngơi và sử dụng các thuốc giảm đau nhóm không steroid (NSAID). Nhưng đó chỉ là những thuốc chữa triệu chứng chứ không trị nguyên nhân bệnh sinh. Mặt trái của nhóm thuốc này là vừa chống viêm giảm đau, vừa gây tổn hại niêm mạc dạ dày – tá tràng. Bởi nó ức chế cả hai chất sinh học COX -1 và COX – 2 (COX là chữ viết tắt của enzym cyclooxygenase): COX – 1 bảo vệ niêm mạc, còn COX – 2 liên quan đến phản ứng viêm.

 

Glucosamin sulfat là một dẫn chất của aminomonosaccharid là thành phần chính của proteoglycan, một trong 3 thành phần (proteoglycan, collagen, tế bào sụn) cùng với nước cấu tạo nên sụn khớp. Glucosamin sulfat có ái lực đặc biệt với mô sụn, kích thích tế bào sụn sản xuất proteoglycan, collagen là những chất căn bản của sụn khớp. Cung cấp dinh dưỡng cho sụn, giúp tạo dịch khớp (dịch này có tác dụng nuôi dưỡng sụn khớp) và tái tạo sụn khớp. Mặt khác, glucosamin sulfat còn ức chế một số enzym gây phá hủy sụn khớp, giảm các gốc tự do gây tác hại đến tế bào sinh sụn. Ngoài ra, loại thuốc này còn kích thích sinh sản mô liên kết của xương giảm triệu chứng mất canxi của xương, làm tăng sản sinh chất nhày ở dịch khớp (tăng khả năng bôi trơn), giảm hiện tượng thoái hóa khớp. Do vậy, glucosamin sulfat có tác dụng điều trị tận gốc, chứ không chỉ điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, glucosamin sulfat không có được tác dụng giảm đau ngay (như các NSAID) mà chỉ bắt đầu sau một tuần, bởi vậy nếu đau nhiều vẫn phải dùng thuốc NSAID trong những ngày đầu. Đa số người bệnh thoái hóa khớp đạt được những cải thiện rõ rệt sau 2 – 8 tuần dùng thuốc.

Giải pháp tối ưu

Từ năm 1994, glucosamin sulfat đã được dùng trong điều trị thoái hóa khớp. Nó có một bề dày với hơn 300 nghiên cứu và hơn 20 thử nghiệm mù đôi trên lâm sàng, đã được công nhận làm thuốc chữa bệnh khớp ở trên 70 nước trên thế giới. Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã coi glucosamin sulfat như một loại thực phẩm chức năng. Giáo sư Michael T. Muray, giảng viên thực vật tại Trường đại học Tổng hợp Bastyr ở Seatle, Washington, là tác giả hơn 20 cuốn sách, rất có uy tín về thuốc có nguồn gốc tự nhiên cho rằng: Để điều trị bệnh thoái hóa khớp thì glucosamin sulfat dùng với tác dụng như một chất bổ sung dinh dưỡng là giải pháp điều trị lâu dài tối ưu.

Do glucosamin sulfat được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa nên thường dùng dưới dạng uống, tuy có cả dạng tiêm.

Glucosamin sulfat hiện đang có các dạng: thuốc viên 250mg, bột pha uống 1,5gam, thuốc tiêm 400mg/3ml và viên thuốc sủi. Thuốc thường được dùng trong điều trị thoái hóa khớp: gối, háng, tay, cột sống, vai; trong viêm quanh khớp, loãng xương, gãy xương, teo khớp, viêm khớp cấp và mạn tính. Uống thuốc 15 phút trước bữa ăn, thuốc không gây rối loạn dạ dày, ruột. Liều dùng thì tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà có khác nhau. Thuốc có thể dùng lâu dài, dùng nhắc lại 6 tháng tùy theo đáp ứng. Thuốc không được dùng (chống chỉ định) trong trường hợp dị ứng với glucosamin sulfat. Thận trọng dùng cho phụ nữ có thai và người đái tháo đường vì thử nghiệm trên động vật có biểu hiện làm gia tăng đề kháng insulin.

Ngoài các dạng viên thuốc, hiện nay còn có dạng thực phẩm chức năng có bổ sung glucosamin sulfat. Tuy nhiên, theo GS. TS. Reginster, Giám đốc Trung tâm Các bệnh xương khớp của Tổ chức Y tế Thế giới, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển hóa xương và sụn khớp Đại học tổng hợp Liege – Bỉ: Nếu người bình thường có điều kiện muốn sử dụng thực phẩm chức năng thì có thể được. Riêng với người bệnh thì bắt buộc phải dùng thuốc mới có kết quả tốt.         

BS. Vũ Nguyên Khiết