Đau chỗ này, bệnh chỗ kia

Đau chỗ này, bệnh chỗ kia
Người ta hay nói “đau đâu chữa đó” nhưng trên thực tế, có một số bệnh oái oăm khi đau chỗ này nhưng bệnh ở một nơi xa lắc…
 

Đau cổ, đau đầu

 

Chỉ một triệu chứng đau gáy, cổ, nhưng có rất nhiều bệnh liên quan: thoái hóa cột sống cổ, ngồi sai tư thế, viêm, chấn thương… Tùy nguyên nhân mà việc điều trị sẽ khác nhau.

 

Đau gáy cổ ở những người thường xuyên sử dụng máy vi tính còn do một nguyên nhân khá đặc biệt, đó là hội chứng máy tính, hội chứng bệnh mắt văn phòng. BS Đào Trọng Thái – Khoa Mắt BV Q.10 (TPHCM) có kinh nghiệm điều trị những trường hợp này khuyên: “Sau 30 phút làm việc nên nghỉ năm phút, đảo mắt nhìn ra xa. Trong trường hợp mắt cay xè, chảy nước mắt sống, có thể dùng thêm nước mắt nhân tạo. Ngoài ra, cần tập các động tác day tại chỗ ngay đầu cung mày và dùng hai ngón tay vuốt dọc bờ xương hốc mắt”.

 

Nhức đầu có thể do mắt gây ra. Đọc nhiều, ngồi máy vi tính trong thời gian càng dài thì cơn đau đầu “tạm trú” càng lâu, có thể kéo dài đến 1-2 ngày, thậm chí kèm theo nôn ói. Nếu đã qua tuổi 40, mắt không còn tinh tường nữa, nên đi đo thị lực. Nếu bạn bị bệnh khúc xạ ở mắt, đeo kính khi làm việc sẽ hết đau nhức đầu.

 

Tê tay

 

Nhiều người bị tê tay khi lái xe gắn máy hoặc sau khi thức giấc, bệnh này thường được kết luận do mạch máu không thông, do cầm nắm quá mức hoặc nằm không đúng tư thế… Điều này đúng khi chúng ta còn trẻ và chỉ cần vẩy tay, cử động một lúc là hết tê, nhưng khi đã có tuổi, tay sẽ bị tê triền miên tới mức không làm việc được. Đến giai đoạn này, cần tầm soát bằng khám sức khỏe tổng quát các bệnh xem có bị bệnh tiểu đường, hội chứng ống cổ tay hay không.

 

Riêng về hội chứng ống cổ tay thì cần đi đo điện cơ. Cần biết, nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng, gây rối loạn vận động, tay cử động yếu và teo cơ. Để phòng bệnh, những người hằng ngày phải sử dụng động tác lắc cổ tay như: băm, chặt, quay cổ tay, rê “chuột” vi tính cần khởi động khớp tay trước khi làm việc để tránh các chứng bong gân, phù nề ở vùng cổ tay. Khi thấy bị tê tay và cảm giác tê tăng dần khi lao động, lái xe máy, khi ngủ, tê nhiều ở ngón trỏ và ngón giữa, nên đi khám ngay.

 

Tê tay do làm việc, ngồi sai tư thế trong thời gian dài còn là dấu hiệu của thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm. BS Lê Thanh Phương – BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM hướng dẫn: “Thoái hóa cột sống cổ gây chèn ép rễ thần kinh gây tê tay. Với những trường hợp này, nên tìm bài tập phòng ngừa và điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm giai đoạn đầu do Hiệp hội Chỉnh hình Mỹ biên soạn. Với năm động tác ngừa đau cổ cơ năng và 13 động tác bảo vệ lưng, bạn chỉ cần tập trong vòng sáu tuần là giảm đau rõ rệt”.

 

Đau nhức chân

 

 

 Đau nhức chân là triệu chứng thường gặp ở nữ giới. Nếu đau nhức, sưng… hết ngay sau khi chân được nghỉ ngơi thì nguyên nhân thường do đi giày dép cao gót và không nguy hiểm. Chứng đau này chỉ nguy hiểm khi báo hiệu suy tĩnh mạch mãn tính.

 

“Con mồi” của bệnh này đa số là phụ nữ, những người lớn tuổi, làm công việc ít vận động, mắc bệnh tiểu đường, bệnh mạch vành… BS Nguyễn Hoài Nam – Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Nếu điều trị không tốt, bệnh suy tĩnh mạch sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu. Và, một ngày xấu trời nào đó, khối huyết này sẽ đi vào động mạch phổi, gây ra đột tử…”.

 

Các triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn đầu là phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng chân, chuột rút về đêm… Phòng bệnh này không khó, chỉ cần tránh béo phì, tránh đứng lâu, tránh táo bón và làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng tập thể dục, ăn các thức ăn giàu vitamine, nhiều chất xơ v.v… 

 

Theo Phụ nữ online

Số điện thoại tư vấn: 043.995.3167