Thoát vị đĩa đệm – Nên và không nên?

Thoát vị đĩa đệm – Nên và không nên?

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thực thể chứ không phải là rối loạn chức năng, vậy nên, chữa bệnh chủ yếu bằng phương pháp mổ thay đĩa đệm nhân tạo trong trường hợp bị bệnh nặng.

>> Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

>> Dinh dưỡng và tập luyện cho bệnh nhân thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, nên khi bệnh nhân đau mà chưa có chỉ định mổ, chủ yếu dùng thuốc giảm đau. Nhưng mặt trái của thuốc này dẫn đến rối loạn tiêu hóa, tạo đà cho bệnh dạ dày xuất hiện. Vậy nên, để điều trị, thông thường có 3 cách:

– Điều trị bằng sóng rađio – đây là cách mới nhất (chỉ mới được áp dụng ở Khoa cột sống Bệnh viện Việt Đức).

– Đốt đĩa đệm bằng laze: Theo báo cáo Hội nghị cơ xương khớp lần thứ 8 ở Hà Nội mới chỉ điều trị trên 2000 trường hợp. Khó khăn của phương pháp này là phải có bác sĩ chuyên khoa thành thạo và dụng cụ kim đặc chủng để đi vào đĩa đệm.

– Vật lý trị liệu: Là phương pháp tốt nhất cho người bệnh vì nó là phương pháp điều trị không can thiệp, an toàn và không gây biến chứng. Nhưng thời gian điều trị bệnh lâu và phải đúng quy trình.

 

Quy trình điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống bằng vật lý trị liệu là 12 ngày, sau đó bệnh nhân sẽ nghỉ điều trị khoảng 1 tháng, rồi tiếp tục điều trị tiếp 12 ngày. Tiếp đó, cứ mỗi quý, dù đau hay không đau, bệnh nhân cần đến điều trị lại một quy trình.

Bác sĩ Lê Vinh cho biết, ở Khoa Vật lý phục hồi chức năng – BV Hồng Ngọc, khoảng 89 bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm chưa có chỉ định mổ đến điều trị vật lý trị liệu thì có đến 70% bệnh nhân khỏi được.  Bác sĩ Vinh cũng lưu ý, khi điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, bệnh nhân không được sốt ruột và đòi hỏi phải có kết quả ngay sau vài ba ngày điều trị. Nó là cả một quá trình và phải hoàn toàn gắn bó với phương pháp này. Trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu, bác sĩ sẽ theo dõi nếu thấy bệnh nhân nặng lên, bệnh nhân đau liệt khu trú thì sẽ chuyển bệnh nhân lên khoa phẫu thuật thần kinh. Ngoài ra, những người bị thoát vị đĩa đệm sau mổ nhưng vẫn còn đau cũng có thể điều trị bằng quy trình này.

Những người bị thoát vị đĩa đệm chưa phải chỉ định mổ, để không bị nặng thêm cần tuân thủ theo một số điều sau:

– Không được lao động nặng hoặc chơi thể thao sai tư thế, nếu chơi thể thao phải có sự khởi động kỹ và đúng kỹ thuật trước khi chơi.

– Không được bê, mang vác nặng, ví dụ, đang bị thoát vị đĩa đệm nếu bắt buộc phải bê vật gì đó mà không tránh được, thì khi bê phải khuỵu hai chân xuống rồi bê từ từ vật nặng lên chứ không được cúi người xuống bê vật đứng thẳng lên.

– Cần phải luyện tập để tăng cơ lực cho khối cơ lưng là khối cơ chính để bảo vệ nâng đỡ cột sống.

– Môn thể thao tốt nhất đối với người bị thoát vị đĩa đệm là bơi ếch, vì khi bơi, hai chân đạp sải ra giúp cơ lưng hoạt động mạnh.

– Nên bỏ rượu, thuốc lá, giảm cân với những người béo phì.

– Khi ngồi, nên có chiếc gối sau lưng để dựa

– Người lái ô tô nên tìm tư thế thích hợp và thoải mái nhất không làm đau, mỏi lưng

– Khi làm việc ở công sở, cứ mỗi tiếng nên đứng dậy đi lại giải lao

– Ngoài ra chườm nóng tại nhà và nẹp hỗ trợ cột sống rất cần thiết.

Phòng tránh

Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm, theo lời khuyên của Bác sĩ Lê Vinh, cần phải giữ đúng tư thế trong sinh hoạt hàng ngày, giúp phòng tránh tật gù vẹo cột sống, là một yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm. Tránh chơi thể thao quá sức nhất là ở độ tuổi 40 trở ra, tránh lao động nặng, sai tư thế, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom.

Ngay từ tuổi thanh niên, nên chọn những môn thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe và thể trạng của mình để có cơ thể khỏe mạnh, cột sống vững chắc. Sau mỗi giờ làm việc nên đứng dậy giải lao, vì ngồi lâu kéo dài trong tư thế gò bó cũng ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng và cũng là yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Chú ý, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, điều độ. Đi kiểm tra sinh hóa thường xuyên để phòng tránh thoái hóa.