Giải phẫu bệnh

Giải phẫu bệnh

Thoái hóa khớp (THK) là bệnh mạn tính thường gặp ở người trung niên và người có tuổi, xảy ra ở mọi chủng tộc, mọi thành phần của xã hội, ở tất cả các nước và phụ nữ nhiều hơn nam giới.


1. Sụn khớp trong thoái hoá khớp có thể thấy thay đổi như sau.

 

1.1. Đại thể: thấy mặt sụn không trơn nhẵn, mất bóng, có các vết nứt, các vết loét trên bề mặt sụn, làm lộ phần xương dưới sụn, dày lớp xương dưới sụn và có các gai xương ở phần rìa sụn khớp.

 

 

1.2. Vi thể: giai đoạn sớm thấy những sợi nhỏ, mặt sụn không đều, lớp sụn mỏng đi, tương ứng với sự biến đổi  đại thể, ở giai đoạn rất sớm có thể thấy xuất hiện các tế bào viêm nhưng chỉ trong thời gian ngắn, hình ảnh tổn thương viêm ít gặp trong thoái hoá khớp.

 

 

– Tổn thương màng  hoạt dịch  là biểu hiện thứ phát và muộn hơn thường biến đổi xơ hoá màng hoạt dịch và bao khớp, đôi khi có viêm tràn dịch ổ khớp thứ phát do các mảnh sụn nhỏ bị bong trở thành các di vật nhỏ trong ổ khớp kích thích giống như viêm khớp do vi tinh thể.

 

 

2. Lâm sàng.

 

– Lâm sàng điển hình của thoái hoá khớp thường gặp ở bệnh nhân tuổi trung niên hoặc người già. Biểu hiện đau, cứng ở trong khớp hoặc quanh khớp, đi kèm với hạn chế cử động khớp. Đau khởi phát từ từ, mức độ đau vừa hoặc nhẹ. Đau tăng lên khi cử động, khi đi lại,

 

 

mang vác nặng, đau giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi. Đau khi nghỉ hoặc đau về đêm thường là có kèm theo viêm màng hoạt dịch thứ phát. Cơ chế đau trong thoái hoá khớp có nhiều yếu tố như viêm quanh vị trí gãy xương, hoặc đứt rách tổ chức xương dưới sụn, kích thích các tận cùng thần kinh do các gai xương, co cứng cơ cạnh khớp, đau xương do tăng giòng máu và  tăng áp  lực  trong  xương,  viêm màng hoạt  dịch do  tăng tổng  hợp và  giải   phóng prostaglandin, leucotrien, và các cytokin.

 

 

– Cứng khớp buổi sáng cũng hay gặp trong thoái hoá khớp, nhưng thời gian cứng khớp buổi sáng ngắn, dưới 30 phút, khác với bệnh viêm khớp dạng thấp.

 

 

– Hiện tượng cứng khớp sau thời gian nghỉ hoặc không hoạt động hay gặp, triệu chứng này mất đi sau ít phút.

 

 

– Nhiều bệnh nhân thấy đau và cứng khớp hay xuất hiện khi thay đổi thời tiết như lạnh, mưa,  nắng… Có thể do thay đổi áp  lực trong ổ khớp có liên quan thay đổi áp  suất  khí quyển.

 

 

– Bệnh nhân thoái hoá khớp gối thường thấy đau và đi không  vững, đau tăng khi xuống cầu thang, hoặc khi gấp gối.

 

 

– Thoái hoá khớp háng bệnh nhân thường đau ở vùng háng  đôi khi có lan xuống mặt sau đùi xuống khớp gối.

 

 

– Thoái hoá cột sống cổ , hoặc cột sống thắt lưng gây triệu chứng đau cổ gáy,  và đau thắt lưng, đôi khi gãy xương  có thể gây chèn ép rễ thần kinh gây hội chứng tổn thương rễ thần kinh: đau, yếu cơ, tê bì.

 

 

– Khám thực thể: thường phát hiện các triệu chứng ở vị trí khớp đau như phì đại đầu xương, đau khi khám tổ chức cạnh khớp hoặc điểm bám của bao khớp, dây chằng, gân cơ.

 

 

– Hạn chế cử động khớp do gai xương, do mặt sụn không trơn nhẵn, hoặc co cứng cơ cạnh khớp. Kẹt khớp khi cử động có thể là do vỡ sụn chêm, hoặc bong các mảnh sụn vào trong ổ khớp.

 

 

– Tiếng lắc rắc khi cử động khớp là  do mặt khớp không trơn nhẵn dấu  hiệu này gặp trong khoảng 90% số bệnh nhân thoái hoá khớp gối. Khoảng 50% bệnh nhân thoái hoá khớp gối có dấu hiệu tổn thương dây chằng, biến dạng khớp kiểu chân vòng kiềng, đau khi cử động do kích thích bao khớp, cứng cơ cạnh khớp và viêm  quanh các gai xương.

 

 

– Dấu hiệu viêm khu trú gồm nóng, sưng, do tràn dịch trong ổ khớp.

 

 

– Bệnh nhân thoái hoá nhiều khớp có thể có dấu hiệu viêm khớp đốt xa, viêm khớp đốt gần của bàn tay.

 

 

3. Hình ảnh X quang khớp.

 

– Chẩn đoán thoái hoá khớp thường dựa vào sự thay đổi hình ảnh X quang khớp. Triệu chứng X quang điển  hình  là hình  ảnh phì  đại xương, gai xương ở rìa khớp. Hẹp khe khớp không đồng đều, đậm đặc xương dưới sụn. Hẹp khe khớp có thể do lớp sụn mỏng đi, hoặc do vôi hoá sụn ở vùng mọc gai xương.

 

 

– Giai đoạn muộn xuất hiện các kén ở đầu xương, tái tạo xương thay đổi hình dạng đầu xương, khuyết xương ở trung tâm, xẹp vỏ xương ở khớp đốt xa hoặc đôi khi ở khớp đốt gần bàn tay là biểu hiện của thoái hoá nhiều khớp.

 

 

4. Các xét nghiệm cận lâm sàng.

 

– Chẩn đoán thoái  hoá khớp thường dựa vào hỏi bệnh và khám  thực thể. Kết quả của các xét nghiệm thường qui ít thay đổi. Do đó các xét nghiệm này thường dùng để phát hiện những trạng  thái bệnh lý khác  đi kèm,  hoặc theo dõi những diễn biến điều trị. Các xét nghiệm sinh hoá máu như: creatinin, urê, K+  có thể làm trước khi dùng thuốc chống viêm không steroid.

 

 

Tốc độ lắng hồng cầu, yếu tố thấp cũng ít thay đổi trong bệnh thoái hoá khớp.

 

 

Dịch khớp thường số lượng tế bào < 2000 cái/mm3. Protein và glucose trong dịch khớp bình thường.

 

 

Nếu số lượng tế bào > 2000 cái/mm3. Cần chú ý theo dõi viêm khớp do vi tinh thể hoặc viêm khớp nhiễm khuẩn.

 

 

5. Chẩn đoán phân biệt.

 

Cần chú ý phân biệt 2 tình huống dễ nhầm lẫm.

 

 

– Phân biệt thoái hoá khớp từ những bệnh nhân có biểu hiện viêm khớp.

 

 

– Phân biệt thoái hoá khớp thứ phát trên cơ thể bệnh nhân đã có viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh khác có liên quan đến thoái hoá khớp.