Hệ quả của loãng xương là gãy xương, và gãy xương làm tăng nguy cơ tử vong và giảm tuổi thọ. Để kiểm soát bệnh loãng xương, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm tình trạng loãng xương (thông qua phương pháp đo mật độ xương) và điều trị tích cực với một phác đồ thích hợp nhất. Mục tiêu của điều trị loãng xương là tăng mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương và giảm nguy cơ tử vong sau gãy xương.
Thuốc chống hủy xương và thuốc tăng tạo xương
Xương là kết tinh của hai quá trình sinh học tạo xương và hủy xương. Do đó, thuốc điều trị loãng xương được phát triển dựa vào hai cơ chế này, chia làm hai nhóm chính: nhóm ức chế tế bào hủy xương (thuốc chống hủy xương) và nhóm kích thích tế bào tạo xương (thuốc tăng tạo xương).
Các thuốc trong nhóm ức chế tế bào hủy xương bao gồm Bisphosphonates, thay thế hormone (hormone replacement therapy, HRT), SERM, Calcitonin… Các thuốc trong nhóm tăng tạo xương bao gồm: Strontium ranelate và Hormone tuyến cận giáp (parathyroid hormone). Trong số này, có lẽ Bisphosphonates được sử dụng thông dụng nhất, bao gồm alendronate, risedronate, và mới nhất là zoledronate (zoledronic acid).
Tất cả những thuốc này đều đã qua thử nghiệm lâm sàng nhằm thẩm định hiệu quả chống loãng xương. Phần lớn các thuốc trong nhóm bisphosphonates đều có hiệu quả tăng mật độ xương từ 4 đến 8%, và giảm nguy cơ gãy xương cột sống khoảng 50%, và giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi khoảng 40%. Riêng zoledronate (zoledronic acid 5mg) là thuốc duy nhất được chứng minh giảm nguy cơ tử vong 28% ở bệnh nhân gãy xương hông.
Bên cạnh thuốc chống hủy xương, bệnh nhân còn phải uống thêm viên calci bổ sung + vitamin D để cung cấp “nguyên liệu” cho việc tạo xương mới, kích thích hoạt động của tế bào sinh xương.
Tuy nhiên, các thuốc này cũng có một số phản ứng phụ cần chú ý. Chẳng hạn như thuốc alendronate có thể gây ra phản ứng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa ở một số bệnh nhân, hay zoledronic acid 5mg có thể có những tác dụng phụ ghi nhận được như đau cơ xương và triệu chứng giả cúm trong một số bệnh nhân sau vài giờ khi tiêm thuốc. Ngoài ra, giá thuốc cũng khác nhau đáng kể giữa các thuốc. Do đó, việc lựa chọn thuốc điều trị cần phải cân nhắc giữa hiệu quả lâm sàng, chi phí thuốc, và yếu tố nguy cơ để phù hợp cho từng bệnh nhân.
Uống bổ sung viên can-xi trong trường hợp tăng nhu cầu can-xi như phụ nữ mang thai, trẻ em đang lớn, người già, bệnh nhân loãng xương…
Ai cần được điều trị?
Nguy cơ loãng xương và gãy xương rất khác nhau giữa cá nhân. Do đó, không phải ai cũng cần được điều trị loãng xương. Vấn đề đặt ra là ai cần thiết được điều trị? Trong quá khứ đã có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên thế giới và tại Việt Nam, và những nghiên cứu này cho thấy những cá nhân cần được điều trị là người có nguy cơ cao, cụ thể:
Nam và nữ trên 50 tuổi đã từng bị gãy xương trước đó;
Phụ nữ sau mãn kinh và nam trên 50 tuổi có một trong các yếu tố sau đây: Tiền sử gãy cổ xương đùi hoặc gãy đốt sống (chẩn đoán dựa vào lâm sàng hoặc X-quang); Kết quả đo mật độ xương bằng phương pháp DXA tai vị trí cổ xương đùi hoặc cột sống T-score<-2.5
Ngoài liệu pháp thuốc, hiện nay các biện pháp không dùng thuốc cũng cần được chú ý. Thực phẩm giàu canxi trong khẩu phần ăn hằng ngày và bổ sung vitamin D (nếu cần), thay đổi lối sống lành mạnh hơn như luyện tập thể dục thường xuyên, bỏ rượu bia, thuốc lá cũng có thể nâng cao sức khỏe cho xương. Trong những biện pháp trên, duy trì một chế độ ăn uống với khẩu phần thức ăn đầy đủ canxi và vitamin D là một biện pháp an toàn, rẻ tiền và hiệu quả trong việc ngăn chặn quá trình mất chất khoáng trong xương.
Loãng xương và hệ quả gãy xương hiện là một vấn đề y tế có quy mô lớn và ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia. Do đó, cần phát hiện sớm những đối tượng có nguy cơ loãng xương và gãy xương để có biện pháp điều trị thích hợp và đúng mức, nhằm ngăn ngừa gãy xương, không để bệnh nhân gãy xương rồi mới bắt đầu điều trị.
Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan
Trưởng khoa Cơ Xương Khớp BV Nhân dân 115