Thuốc điều trị đục thể thủy tinh
Đục thể thủy tinh (TTT) là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực trên phạm vi toàn cầu. Số lượng bệnh nhân bị mù lòa do đục TTT chiếm tới 42% tổng số người mù (khoảng 17 triệu người). Mỗi năm có thêm 28.000 ca mới mắc. Khoảng 20% số bệnh nhân có biểu hiện đục TTT ngay từ tuổi 60. Tỷ lệ này tăng dần theo tuổi và lên tới 80% ở tuổi trên 75.
>> Đục thủy tinh thể
>> Những kẻ thù gây hại cho mắt
>> Trẻ đẻ non: Coi chừng bị mù vĩnh viễn
Bệnh học về đục TTT là cả một đề tài lớn. Trong phạm vi bài viết này, xin giải đáp phần nào băn khoăn của các bệnh nhân đục TTT: Tại sao đục TTT lại không có thuốc chữa? Đây là một câu hỏi thường ngày của bệnh nhân đến khám bệnh khi mà lý lẽ đưa đến quyết định mổ của bác sĩ tỏ ra yếu ớt. Tại sao các dạng đục TTT ở những hình thái đặc biệt (đục một phần TTT, đục dạng tinh thể óng ánh, đục do bệnh toàn thân mà bệnh nhân chưa thể phẫu thuật được) lại khiến cho quyết định phẫu thuật trở nên khó khăn… Có vô số tình huống khiến bệnh nhân thắc mắc liệu có chữa được bệnh này không?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu khó khăn đầu tiên, đó là vấn đề sử dụng thuốc. TTT ngâm phần trước của mình trong tiền phòng nơi có chứa chất lỏng gọi là thủy dịch.
Chính ở phần trước này của TTT sẽ diễn ra quá trình trao đổi chất giữa TTT và thủy dịch qua bao trước sau đó là biểu mô. Người ta cho rằng chính biểu mô đã thực hiện tất cả các chu trình chuyển hóa tích cực kể cả sinh ra ATP, tạo ra ADN và ARN để tổng hợp protein cho TTT. Như vậy, muốn tác động dược lý vào TTT phải dùng hai con đường: một là, thay đổi gradien nồng độ; hai là, tăng tính vận chuyển tích cực của biểu mô. Thật không may là gradien nồng độ của thủy dịch rất bảo thủ, tế bào biểu mô cần ion, glucose cũng rất ít ôxy để thực hiện chức năng của mình. Thuốc ngấm được vào TTT sẽ rất khó khăn và như vậy con đường can thiệp bằng thuốc men vào bên trong TTT có vẻ không mấy khả quan.
Các thuốc được cho là để điều trị đục TTT cũng chỉ cho kết quả khiêm nhường: sau khi nhỏ thuốc 60 phút, nồng độ thuốc chỉ đạt 0,25micromol trong thủy dịch. Hơn nữa cơ chế bệnh sinh của đục TTT lại rất phức tạp, vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Nhưng đa phần người ta cũng thống nhất một số lý do chính như sau:
– Bao TTT, biểu mô TTT đã bị tổn hại vì nhiều lý do và không hoàn thành nhiệm vụ lá chắn cũng như chức năng chuyển hóa, nuôi dưỡng TTT nữa. Đục TTT do chấn thương là một ví dụ điển hình cho quan điểm này.
– Với đục TTT người già, người ta nói nhiều về việc thất thoát protein trong TTT, gia tăng lượng protein loại không tan trong nước làm mất tính trong suốt của TTT.
– Các gốc tự do gây giảm hoạt tính một số enzym, phản ứng trực tiếp với các phần tử và với AND trong TTT có thể gây những tổn thương bất biến cho TTT. Thuyết tổn hại TTT do năng lượng bức xạ có vẻ phù hợp nhất với cơ chế này.
– Một loạt lý do khác nhưng với cơ chế chưa rõ ràng cũng đã được nêu ra: hút thuốc, rối loạn chuyển hóa đường, dùng thuốc kéo dài…
Với ngần ấy luận thuyết thì việc tìm tòi ra các loại thuốc để chữa đục TTT xem ra vẫn còn gian nan. Nếu phải khuyên một ai đó dùng thuốc gì để phòng chống đục TTT thì chúng ta có một số lựa chọn sau đây:
– Đường toàn thân: nên điều trị tốt bệnh đái tháo đường (nếu có), dừng hoặc giảm liều cortizol, uống những thuốc bổ tổng hợp chống gốc tự do kinh điển có chứa vitamin C, vitamin A, vitamin E, kẽm, selen…
– Các thuốc nhỏ mắt được khuyên dùng cho bệnh này như karyuni, catalin, catacol, vitreolent… hiện khá sẵn trên thị trường.
Mới đây người ta nói nhiều về tác dụng của carnosine, một peptid có tác dụng kháng chuyển hóa glycation, chống ôxy hóa, chống phản ứng chéo glucose – protein… có thể phòng chống đục TTT ở người già. Thêm nữa là N-acetylcarnosine có tính thấm cao hơn vào TTT và giác mạc với tính năng tương tự. Kết quả cải thiện thị lực được công bố là tới 80% bệnh nhân.
Tuy nhiên vẫn phải khẳng định, mặc dù cơ chế dược lý khá rõ ràng với tính năng ngăn chặn các con đường dẫn đến đục TTT nhưng tác dụng thực tế của các thuốc uống, thuốc nhỏ mắt nêu trên vẫn rất khiêm tốn. Trong khi đó, phẫu thuật mổ TTT đa phần vẫn đem lại sự thỏa mãn cao nhất cho bệnh nhân.