Hằng ngày chúng tôi tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhi về mắt, trong đó có rất nhiều trẻ bị viêm kết mạc dị ứng. Đây là căn bệnh khá phổ biến, cách chữa trị cũng không quá khó khăn và tốn kém, nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết để chăm sóc trẻ.
>> Những kẻ thù gây hại cho mắt
>> Cẩn trọng với tật nháy mắt của trẻ
Một người mẹ dẫn đứa con trai 7 tuổi đến bệnh viện, khai với bác sĩ: ”Cháu hay bị ngứa mắt từ lúc 5 tuổi, mỗi đợt ngứa như vậy kéo dài 7-10 ngày, kèm theo ngứa có chảy nước mắt, đỏ mắt và cháu hay lấy tay dụi mắt. Có những đợt kèm theo ho và sổ mũi…”. Qua thăm khám, bác sĩ xác định cậu bé bị viêm kết mạc dị ứng (allergic conjunctivitis).
Kết mạc là màng trong suốt lót mặt sau mi mắt và mặt trước nhãn cầu (trừ phần giác mạc). Nếu nhìn bằng mắt thường, phần kết mạc phủ mặt trước nhãn cầu từ dân gian gọi là “lòng trắng”. Kết mạc là nơi chứa nhiều nang bạch huyết phản ứng lại với các kháng nguyên gây dị ứng trong môi trường xung quanh.
Các kháng nguyên gây dị ứng thường là phấn hoa, vi nấm, da thuộc, gỗ, lông các vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim…, cũng có thể từ thức ăn và thuốc chữa bệnh. Tình trạng dị ứng có thể liên quan đến mùa, thường là mùa xuân và mùa hè, tuy nhiên bệnh nhân cũng có thể bị dị ứng quanh năm theo từng đợt. Tác nhân gây dị ứng có thể tác động đồng thời ở kết mạc mắt gây viêm kết mạc mắt, niêm mạc mũi xoang gây viêm mũi xoang dị ứng và tác động vào niêm mạc đường hô hấp gây viêm đường hô hấp dị ứng: ho, sổ mũi…
Thông thường tình trạng viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em tự giới hạn hoặc giảm khi trẻ lớn.
Những biểu hiện thường gặp của viêm kết mạc dị ứng là bệnh nhân bỗng dưng thấy ngứa mắt, tự nhiên bị ngứa mà không phải do vật lạ rơi vào mắt nhưng lại có cảm giác như “có dị vật trong mắt”. Nếu là trẻ nhỏ sẽ có phản ứng dụi mắt. Nếu tay trẻ bẩn có thể gây viêm kết mạc hoặc giác mạc mắt do vi khuẩn, lúc này tình trạng viêm kết mạc sẽ nặng thêm.
Biểu hiện thứ hai là không khóc mà nước mắt cứ chảy ra, thường là chảy nước mắt trong, nặng hơn có thể có nhầy nhưng không có mủ. Một biểu hiện khác là mắt bị đỏ, mức độ thường nhẹ hoặc vừa, ít khi có xuất huyết dưới kết mạc. Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như phù kết mạc lan tỏa: nhìn bằng mắt thường sẽ thấy kết mạc phù bọng như có một lớp nước mỏng phía dưới. Hoặc có những trường hợp nặng mi trên và mi dưới có thể sưng phù.
Khi thấy những biểu hiện trên ở trẻ, cha mẹ nên biết cách chăm sóc ban đầu như: phải cách ly với tác nhân nghi ngờ gây dị ứng; giữ vệ sinh, tránh dụi tay bẩn vào mắt, dùng khăn sạch, tốt nhất là gạc vô khuẩn để thấm dịch tiết từ mắt. Nếu bác sĩ xác định con bạn bị viêm kết mạc do dị ứng sẽ cho sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt.
Nước muối sinh lý 0,9% (efticol 0,9%, natri clorid 0,9%), hầu như không có tác dụng phụ, được bán rộng rãi ở các hiệu thuốc có hiệu quả tốt trong điều trị hỗ trợ viêm kết mạc dị ứng, rửa trôi các kháng nguyên gây dị ứng bám vào bề mặt kết mạc. Thuốc cũng có thể được dùng thường xuyên sau đợt viêm kết mạc dị ứng để làm giảm khả năng bị dị ứng lần sau. Trường hợp viêm kết mạc nặng buộc phải cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt.
Hoạt động điều độ thể thao ngoài trời cũng là cách thích nghi tốt hơn với môi trường.
Theo giaoducsuckhoe.net