Bạn đừng nghĩ là nước chỉ để uống cho hết khát nhé. Không chỉ có vậy đâu, nước còn làm được nhiều điều kỳ diệu hơn thế. Nó có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, tăng cường dinh dưỡng, lưu chuyển tuần hoàn, trị được cả rong kinh, trĩ, đau thần kinh nữa…
Những điều kỳ diệu của nước
Nước là môi trường tốt nhất cho các tế bào sống tồn tại, là môi sinh và là dung môi cho tất cả các hoạt động sống. Cơ thể chúng ta đâu chỉ là bằng xương, bằng thịt, có đến 70% khối lượng cơ thể của bạn là nước đấy.
Người ta uống nước để bù vào sự mất cân bằng nước và điện giải trong những trường hợp tiêu chảy; truyền nước vào cơ thể ở những bệnh nhân bị mất máu, mất nước; người ta còn đưa nước vào ruột, dạ dày để thực hiện các nghiệm pháp y học. Và nước còn được dùng ngoài để chữa bệnh.
Trong y học, nước được sử dụng như một công cụ chữa bệnh hay nói đúng hơn là hỗ trợ chữa bệnh và tăng cường sức khỏe bởi nó có những đặc tính vô cùng quý. Thứ nhất, nước có thể giữ nhiệt trong một thời gian đủ để điều chỉnh được. Bạn muốn đắp lên cơ thể mình một nhiệt lượng khoảng 400C, nước có thể trữ nhiệt cho bạn khá chính xác. Nó sẽ không làm quá nóng và cũng không làm quá lạnh nếu bạn điều chỉnh chính xác.
Nước còn có thể dễ dàng chuyển đổi từ trạng thái lỏng sang trạng thái khí, giúp cơ thể bạn tẩy nhiệt hoặc thải nhiệt tốt một cách không thể ngờ. Nước lại còn dễ tạo hình tạo khối để có thể ứng dụng được bất kỳ chỗ nào trên cơ thể. Bạn muốn dùng nước ở lưng ư? – Không khó. Bạn muốn dùng nước hình cong tại nếp gấp ư? – Dễ dàng. Chỉ cần bạn tạo được một vật thể chứa nước có hình dạng phù hợp là bạn có thể làm được điều này.
Đến liệu pháp nước
Biện pháp điều trị dùng nước bên ngoài cơ thể ở đây mang tên liệu pháp nước: sử dụng nước như một thủ thuật trong phòng và chữa bệnh. Nước được sử dụng ở đây dưới nhiều dạng: nước nóng, nước lạnh, nước ôn hòa.
Trong liệu pháp nước, người ta đã chứng minh được rằng nước lạnh, nước nóng, nước ôn hòa và nước hỗn hợp có những tác dụng độc lập và cho những hiệu năng điều trị khác nhau.
Nước nóng có tác dụng làm giãn mạch, tăng lưu lượng tuần hoàn tại chỗ nên tốt cho các trường hợp bị co thắt mạch máu, tắc mạch, giảm thiểu nuôi dưỡng. Nước nóng làm giãn cơ, làm giảm sự co thắt cơ cục bộ, làm thư thái tinh thần nên có tác dụng là thư giãn và làm mềm cơ thể. Nước nóng làm kích thích vận hành mạch máu ở ngoại vi, tăng cường đưa máu từ trung tâm ra ngoại vi, giúp thải nhiệt, làm gia tăng chuyển hóa dinh dưỡng nên tốt cho người mới ốm dậy, người giảm chuyển hóa chất. Nó có tác dụng giảm đau trong trường hợp đau do co thắt, cơ trơn hay co rút gân cơ vân. Trong nghiệm pháp này, nước nóng là nước không quá 450C (nếu không sẽ gây bỏng) và không dưới 380C (nếu không sẽ không đạt được hiệu ứng).
Còn nước lạnh lại làm co thắt mạch cục bộ tại chỗ nên có tác dụng giảm sưng nề, giảm phù, giảm tiết dịch do viêm hay chấn thương. Nước lạnh làm co thắt mạch ngoại vi, đẩy máu vào trung tâm nên tăng cường sức khỏe của các tạng trong cơ thể. Nước lạnh có tác dụng kích thích thần kinh, nhất là thần kinh da một cách mạnh mẽ, vì thế nó nhanh chóng cho bạn một sự tỉnh táo và hoạt hóa nhận thức. Nó tốt cho người cần sự kích thích, người cần điều trị các tạng bên trong như gan, phổi, não. Không thể không kể đến tác dụng thải nhiệt của nước lạnh, cần cho những người bị sốt cao. Nó cũng có tác dụng giảm đau nhưng là đau do sưng, phù nề. Nó còn có tác dụng làm tăng trương lực cơ, vì thế mà tốt cho người bị nhược cơ, yếu cơ. Nhiệt độ của nước lạnh không dưới 100C nhưng cũng không quá 200C.
Nước ôn hòa hay hỗn hợp luân phiên là nước mà lúc nóng lúc lạnh, hay là pha trộn nóng lạnh tạo nên một cảm giác ôn hòa. Nước ôn hòa là nước có nhiệt độ ở khoảng 33 – 350C. Người ta đã thử nghiệm và thấy rằng sự luân phiên có tác dụng nâng cao lưu lượng tuần hoàn tốt. Nếu luân phiên ngâm hai chi dưới trong nước nóng và lạnh thì sẽ làm tăng lưu lượng tuần hoàn chi dưới 75%, còn nếu ngâm luân phiên cả bốn chi thể trong nước nóng và nước lạnh thì người ta thấy làm tăng lưu lượng tuần hoàn chi trên là 100%, tăng lưu lượng tuần hoàn chi dưới là 70%.
Việc sử dụng nước nóng lạnh luân phiên hoặc việc sử dụng nước ôn hòa có tác dụng lợi kép vì vừa làm tăng trương lực cơ lại làm tăng lưu lượng tuần hoàn. Tuy nhiên, việc sử dụng nghiệm pháp nóng lạnh xen kẽ này cần rất cẩn thận nếu không gây tác dụng ngược và chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Thời gian ngâm lạnh không được quá thời gian ngâm nóng, không bao giờ ngâm lạnh quá 3 phút mà cũng không bao giờ được dưới 20 giây, mực nước ngâm lạnh phải dưới mực nước nóng ít nhất là 2-3cm.
Và ứng dụng
Liệu pháp nước được sử dụng rộng rãi trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe, spa, trung tâm thẩm mỹ và làm đẹp toàn thân và được sử dụng theo nhiều cách. Trong liệu pháp nước có rất nhiều nghiệm pháp. Mỗi nghiệm pháp lại có công dụng, chỉ định riêng. Và người ta có thể cho thêm vào nước những chất thảo dược, tinh dầu, muối để gia tăng thêm hiệu ứng. Một số nghiệm pháp đơn giản nhất có thể tự áp dụng:
– Đắp khăn mát: tẩm nước mát vào một chiếc khăn sạch, vắt ráo nước và đắp lên vùng cần điều trị. Lượng nước giữ lại trong khăn tùy thuộc vào thời gian duy trì mát. Đắp lên trán, lên mặt, lên cẳng tay, cẳng chân. Dùng để hạ sốt ở người già, trẻ em, người yếu. Thời gian từ 5 – 15 phút, không đắp lâu kẻo ngấm nước ngược vào trong.
– Đắp khăn lạnh: tẩm nước lạnh (12 – 150C) vào khăn sạch, nên sử dụng khăn cotton vì thấm nước tốt và giữ nước tốt. Lượng nước giữ lại tùy thuộc vào thời gian định duy trì. Đắp lên trán, chân tay, vùng bị tổn thương, chấn thương. Có tác dụng hạ sốt, tiêu sưng, giảm phù nề, giảm đau do chèn ép. Ví dụ như bong gân cổ chân thì đắp khăn lạnh 15 phút với người trẻ. Chú ý là không đắp khăn lạnh với người già và trẻ em vì đây là những cơ thể yếu không phản ứng tốt với lạnh.
– Ngâm nước nóng: ngâm bộ phận cơ thể cần ngâm vào nước nóng. Ngâm từ 15 – 30 phút. Chú ý là nước không được nóng quá sẽ gây bỏng, ngâm ngập phần định ngâm 1cm. Thường là ngâm khung chậu, ngâm hậu môn trong các trường hợp bị đau do co thắt, tốt trong co thắt tử cung, đau do trĩ, buồng trứng, tinh hoàn, đau thần kinh tọa, tắc nghẽn đường tiểu. Không chỉ định cho các trường hợp bị viêm vì càng làm viêm thêm. Nếu sử dụng vật liệu chứa nước nóng thì có thể tốt cho các trường hợp bị co thắt cơ cạnh sống ở người già mà chúng ta quen gọi là chườm nóng. Chúng ta cũng có thể ngâm hai bàn chân vào nước nóng để dễ ngủ trong mùa đông (có tác dụng tốt với những người mất ngủ). Có thể cho thêm vào nước một chút tinh dầu gừng.
– Tắm lạnh: ở đây là tắm toàn thân. Nhiệt độ nước sử dụng là 15 – 18oC, không được lạnh hơn vì có thể nhiễm lạnh, không sử dụng trong mùa đông vì cơ thể dễ mất nhiệt. Tắm lạnh có tác dụng kích thích, làm tỉnh táo ở những người trì trệ, làm tăng trương lực cơ ở những người yếu cơ, táo bón do nhão cơ ruột, làm săn da, đẹp da. Thời gian tắm không quá 10 – 15 phút. Nếu có dòng nước mạnh, xối từ đầu xuống liên tục hoặc có bồn nước lạnh sục dòng nước lạnh thì sẽ tạo được hiệu ứng tốt hơn.
– Tắm nóng: nhiệt độ khoảng chừng 38 – 420C trong thời gian từ 5 – 20 phút. Tốt cho các trường hợp viêm khớp, đau cơ do co thắt, mất ngủ, căng thẳng thần kinh. Áp dụng trong một thời gian ngắn có thể làm hạ sốt, vì làm giãn mạch, ra mồi hôi để kích thích thải nhiệt
– Xông hơi: nhiệt độ cần đạt được 60 – 700C. Có thể cho thêm tinh dầu như gừng, xả, hương nhu, bưởi. Xông từ 10 – 20 phút tùy từng người. Nhớ là không được để hơi nóng thoát ra ngoài. Nếu không chịu được hơi nóng có thể để hở mũi để hít khí bình thường. Có thể uống nước ấm, nước trà thảo dược, nước muối đường trong quá trình xông. Tốt cho người yếu, mới ốm dậy, người bị nhiễm độc, ốm do virut, cảm lạnh mới khỏi. Nhưng tuyệt đối không được sử dụng cho người bị huyết áp thấp dưới 100mmHg, người già, người bị bệnh tim.
Còn nếu bạn muốn làm đẹp da mặt, hãy thoa nước lạnh và mát xa mặt trước khi dùng mỹ phẩm dưỡng da, vì như thế các chất trong mỹ phẩm sẽ lưu tồn trên da được lâu hơn và da mặt bạn sẽ đẹp lên trông thấy.
BS. Hưng Phúc