Triệu chứng bệnh chân tay miệng

Triệu chứng bệnh chân tay miệng

Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ mới về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay – chân – miệng. Căn bệnh đang có xu hướng lây lan nhanh và đã khiến 12 bệnh nhân tử vong.

Theo Bộ Y tế, bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người (chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em), dễ thành dịch do vi rút đường ruột gây ra.

Hiện bệnh này đang gia tăng nhanh ở TP.HCM, trong đó có khoảng 10% bệnh nhân bị biến chứng thần kinh do nhiễm vi rút EV71, đã có 12 ca tử vong do bệnh này.

Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, dịch mũi, chất thải, nước dịch tiết ra từ cơ thể người nhiễm bệnh.

Giai đoạn ủ bệnh: 3 – 7 ngày. Giai đoạn khởi phát từ 1- 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát thường kéo dài 3 – 10 ngày, với các triệu chứng như loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2 – 3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi). Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông và thường tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm, sốt nhẹ.

Phác đồ nêu rõ bệnh chân – tay – miệng có thể điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại y tế cơ sở nhưng cần cách ly trẻ bệnh tại nhà trong tuần đầu tiên khởi phát. Trong thời gian này cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ nhằm tăng cường sức đề kháng.

Theo lời khuyên của các chuyên gia phòng dịch, khi phát hiện trẻ em nhiễm bệnh, cha mẹ không được tự ý dùng các loại thuốc kháng sinh, mà phải đưa trẻ đi khám và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao, li bì phải lập tức đưa trẻ quay lại bệnh viện để điều trị kịp thời.