Hiện tượng “Breakthrough” sau tiêm một liều vaccine ngừa thủy đậu

Hiện tượng “Breakthrough” sau tiêm một liều vaccine ngừa thủy đậu

Hiện tượng “Breakthrough” (nhiễm lại) trong bệnh thủy đậu xảy ra đối với một số trẻ sau  chủng ngừa một liều vaccine đang gây thắc mắc và lo lắng cho các bậc phụ huynh, nhất là tại thời điểm “vào mùa” của bệnh như hiện nay.

Tại sao có hiện tượng nhiễm lại?

Theo BS.Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, BV. Nhi Đồng I, TP.HCM cho biết: “Mùa cao điểm của thủy đậu (còn gọi là phỏng ra hay trái rạ) thường xảy ra vào tháng 3-4 hàng năm và trẻ từ 1-10 tuổi chiếm tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất. Đáng lưu ý là có đến 80-90% đối tượng chưa chủng ngừa thủy đậu có khả năng mắc bệnh. Thủy đậu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong ơ trẻ nhỏ. Do đó, việc chủ động phòng ngừa thủy đậu bằng cách tiêm vaccine phòng ngừa và thời điểm tốt nhất để chủng ngừa là trước khi mùa dịch xảy ra”.

Hiện nay, liên quan đến vấn đề tiêm ngừa bệnh thủy đậu, thực tế đã có một số trường hợp bị nhiễm lại mặc dù trước đó đã được chủng ngừa. Chẳng hạn tại BV. Nhi đồng I, TP.HCM đã có nhiều bệnh nhi đến khám và điều trị do rơi vào trường hợp này, điển hình như: bé V.L.M.T, 4 tuổi, ngụ ở quận 5, TP.HCM vừa bị thủy đậu, mặc dù bé đã được tiêm ngừa lúc 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo gia đình bé kể thì tình trạng bệnh của bé ở mức độ nhẹ, nốt rạ nổi ít, khoảng 1 tuần thì hết hẳn. Bé mắc bệnh do lây từ người bố vừa bị nhiễm trước đó. Hay như trường hợp một bé gái 23 tháng tuổi bị thủy đậu dù đã tiêm một liều vaccine. Hoặc trường hợp 2 chị em bé N.H.A.T, 7 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM đã tiêm ngừa thủy đậu nhưng cả 2 chị em đều mắc lại.

Lý giải về trường hợp này, BS. Khanh cho rằng: theo nghiên cứu, một số trẻ đã tiêm ngừa một liều vaccine nhưng vẫn có thể bị nhiễm lại thủy đậu khi tiếp xúc với virus thủy đậu hoang dại. Hiện tượng này xảy ra là do nồng độ kháng thể bị giảm dần theo thời gian. Theo một nghiên cứu cho kết luận: trẻ tiêm ngừa sau 5 năm mắc nhiều hơn trẻ trước 5 năm và tỷ lệ nhiễm lại tăng dần theo năm, từ 1,6/1.000 người/năm đầu; 9/1.000 người sau 5 năm và 58,2/1.000 người sau 9 năm. Hiện tượng nhiễm lại thủy đậu rất dễ xảy ra khi có yếu tố tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường nhẹ, ít sang thương và thời gian lành bệnh ngắn hơn. Đáng lưu ý là bệnh vẫn có khả năng lây lan tương tự trẻ không chủng ngừa. Bệnh thường gặp hơn nếu tiêm ngừa trước 14 tháng, trong vòng 28 ngày sau tiêm MMR và nếu trẻ dùng corticoide uống. 

Đến lúc phải sử dụng 2 liều

Thủy đậu là một bệnh có tính lây nhiễm rất cao do virus Varicella Zoster gây nên. Những nơi tập trung đông người như: trường học, cơ quan, xí nghiệp… là những môi trường rất dễ bùng phát thành dịch. Các bác sĩ khuyến cáo thời điểm tiêm ngừa tốt nhất là trước khi mùa dịch xảy ra. Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2007, Ủy ban thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ đã khuyến cáo chủng ngừa 2 liều vaccine thủy đậu cho cả trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi. Việc này sẽ giúp tăng cường hiệu quả bảo vệ chống lại căn bệnh này.

BS. Khanh đã đưa ra một câu chuyện phòng ngừa thủy đậu tại Hoa Kỳ qua nghiên cứu từ 545 học sinh (96% trẻ có tiêm ngừa) thì có 49 ca bị thủy đậu, trong đó có 43 ca đã chủng ngừa. Thời gian trung bình mắc bệnh sau tiêm ngừa khoảng 59 tháng. Như vậy, một liều vaccine ngừa được khoảng 80 85%. Số ca giảm nhưng dịch vẫn xảy ra trong trường học, ngay cả các trường có tỷ lệ tiêm ngừa cao.

Do đó, trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi: tiêm 1 liều và nên chủng ngừa thêm liều thứ 2 cách liều thứ 1 tốt nhất sau 6 tuần hoặc trong khoảng 4-6 tuổi, để gia tăng hiệu quả bảo vệ bệnh và giảm sự nhiễm lại thủy đậu cho trẻ. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn nên tiêm 2 liều cách nhau 6 tuần.