Bệnh thủy đậu lây nhiễm như thế nào?

Bệnh thủy đậu lây nhiễm như thế nào?

Hỏi: Tôi có 2 cháu nhỏ, cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi. Hiện cháu lớn đang bị thủy đậu (mọc nốt phỏng từ chiều qua) do lây các bạn cùng lớp còn cháu nhỏ thì chưa có biểu hiện gì. Xin hỏi làm thế nào để phòng ngừa bệnh này. Bây giờ có nên tiêm phòng ngay cho cháu nhỏ không?

Nguyễn Thị Khánh (Hà Nam)

Trả lời:

Bệnh thủy đậu (phỏng dạ) là do virut gây ra. Bệnh rất dễ lây nên hầu như khó tránh khỏi nếu trong lớp có trẻ mắc bệnh. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với những giọt nước bọt người bệnh (như ho, hắt hơi) hoặc lây do tiếp xúc với dịch tiết từ nốt thủy đậu bị dập vỡ. 90% tiếp xúc trực tiếp có khả năng lây bệnh. Thời gian lây bệnh bắt đầu từ một ngày trước khi có những nốt đậu và kéo dài cho đến khi các nốt đậu đóng vảy (trung bình 7-8 ngày). Những người chưa có miễn dịch (chưa tiêm vaccin thủy đậu) nếu bị lây nhiễm thì 10-21 ngày sau (trung bình 13-17 ngày), người bị lây sẽ mắc bệnh. Nhưng nếu được tiêm phòng vaccin thủy đậu thì chỉ 72 giờ sau tiêm, cơ thể đã tạo được kháng thể bảo vệ. Do đó trong vòng 3 ngày (chậm là 5 ngày) kể từ khi phát hiện nốt đậu trên người mắc bệnh, những người xung quanh cần đi tiêm phòng để cơ thể còn đủ thời gian tạo ra kháng thể chống lại bệnh. Trường hợp cháu nhỏ nhà chị nên đi tiêm phòng ngay.

Một số lưu ý khi tiêm vaccin thủy đậu: Nên tiêm tại cơ sở y tế vì thuốc được bảo quản tốt sẽ có tác dụng tốt. Đây là loại vaccin sống vì vậy nên tiêm cách các loại vaccin sống khác như sởi, quai bị, BCG… ít nhất 4 tuần. Không tiêm vaccin thủy đậu cho phụ nữ mang thai và không nên có thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm vaccin thủy đậu.