Khô mắt – Dùng thuốc gì?
Trong những năm gần đây, việc thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khô mắt. Khô mắt còn xuất hiện ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, những người mắc bệnh tự miễn, thường xuyên đeo kính tiếp xúc, sau phẫu thuật lasik điều trị tật khúc xạ…
>> Thuốc trị đau mắt đỏ
>> Bị cườm mắt có gây mù?
Theo PGS.TS. Phạm Thị Khánh Vân, Viện Mắt Trung ương thì khô mắt là rối loạn của màng phim nước mắt do giảm sự chế tiết nước mắt hoặc do sự bốc hơi quá mức của nước mắt gây tổn hại bề mặt nhãn cầu và những triệu chứng khó chịu ở mắt kèm theo.
Khi mắt bị khô, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau: khó chịu trong mắt, cảm giác khô, cảm giác rát bỏng, cảm giác có sạn trong mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, đỏ mắt, có dử mắt, nhìn mờ…
Có ba yếu tố chính gây khô mắt đó là: rối loạn nước mắt, quá trình viêm kết mạc và các bệnh ở mi mắt. Vì thế, để điều trị khô mắt cần chú ý đến ba yếu tố này. Để điều trị rối loạn nước mắt, có thể áp dụng liệu pháp thay thế nước mắt bằng tra nhỏ mắt chế phẩm nước mắt nhân tạo như refreshtear, oculotect, systane, lacrynorme… hoặc có thể dùng phương pháp đóng điểm lệ, thuốc ức chế miễn dịch (dung dịch tra nhỏ mắt cyclosporin A 0,05% ). Ngoài ra, để hạn chế sự bốc hơi của nước mắt có thể đeo kính giữ ẩm. Khi bị viêm nhiễm ở kết mạc, cần điều trị chống viêm và chống nhiễm khuẩn bằng các kháng sinh phù hợp. Một số thuốc thường dùng như clorocid, gentamycin hoặc tobramycin… Đối với các viêm nhiễm ở bờ mi, cần vệ sinh bờ mi và điều trị viêm bờ mi như nặn tuyến bờ mi, chườm nóng bờ mi, mát-xa bờ mi và bôi bờ mi bằng thuốc mỡ kháng sinh.