Răng khôn hàm dưới là răng mọc muộn nhất trên cung hàm, thời gian mọc kéo dài. Bình thường răng khôn mọc lúc 18 – 34 tuổi nhưng cũng có thể mọc sớm hơn (17 tuổi) hoặc muộn hơn, có người ngoài 40 tuổi vẫn còn mọc răng khôn. Qua nghiên cứu 130 trường hợp có răng số 8 hàm dưới mọc lệch gần đến khám và điều trị tại Khoa răng miệng Viện Quân Y 103 và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có khá nhiều bệnh nhân đến muộn, gây những hậu quả xấu đến sức khoẻ.
>> Răng khôn: Khôn hay dại?
>> Những thức ăn, đồ uống và thói quen có hại cho răng
Tỷ lệ răng khôn hàm dưới mọc lệch cao. Nó có thể mọc lệch ở các tư thế như: lệch gần, lệch xa, lệch trong, lệch ngoài,… nhưng lệch gần là nhiều nhất. Trong quá trình mọc và suốt thời gian tồn tại răng khôn hàm dưới gây ra rất nhiều tai biến. Các tai biến do răng số 8 hàm dưới gây ra cần phải điều trị chiếm một tỷ lệ cao trong các bệnh về răng miệng.
Các tai biến thường xảy ra sớm như viêm túi răng khôn, viêm tổ chức liên kết, viêm hạch, viêm xương hàm… với triệu chứng khá rầm rộ làm cho người bệnh phải đi khám và điều trị ngay.
Khi răng số 8 hàm dưới mọc lệch gần, ngoài các tai biến trên, nó còn gây tổn thương răng số 7. Nhưng trên thực tế tổn thương răng số 7 lại rất hay bị bỏ qua, lúc đầu ăn uống chỉ thấy mắc thức ăn, gây khó chịu khi vệ sinh răng miệng. Dần dần khi ăn nóng lạnh, chua ngọt thấy ê buốt từng đợt rồi lại tự hết. Cứ như vậy tiến triển kéo dài có khi nhiều năm. Mặt khác sâu răng số 7 ở người có răng số 8 mọc lệch gần hay bị sâu ở mặt xa rất khó phát hiện, nhiều trường hợp phải chụp Xquang mới phát hiện được. Đến khi triệu chứng đã rõ ràng bệnh nhân đến khám thì đã ở giai đoạn muộn, tổn thương nhiều, điều trị bảo tồn khó khăn, có thể phải nhổ răng ảnh hưởng đến chức năng ăn, nhai và sức khỏe người bệnh. Khi nhổ răng khôn hàm dưới, răng khôn đối diện hàm trên sẽ dài ra (hiện tượng Popov – Gogon) gây mắc thức ăn, có thể lại gây sâu và viêm kẽ giữa răng số 7 và răng khôn hàm trên.
Các tai biến do răng khôn hàm dưới mọc lệch đã được rất nhiều các tác giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu sâu. Nhưng tổn thương răng số 7 do răng số 8 hàm dưới mọc lệch gần thì chưa được đề cập đến nhiều.
Nguyên tắc điều trị tai biến do răng khôn hàm dưới mọc lệch
Khi bệnh nhân có biến chứng do răng khôn hàm dưới mọc lệch làm sưng đau góc hàm hoặc hạn chế há miệng thì phải điều trị kháng sinh, chống viêm giảm đau trước, đến khi bệnh nhân hết sưng, há miệng bình thường mới tiến hành các biện pháp điều trị khác.
Các phương pháp điều trị tổn thương răng số 7 do răng số 8 hàm dưới mọc lệch gần.
Hàn răng số 7:
– Qua lỗ sâu ở mặt xa.
– Mở lỗ hàn qua mặt nhai ở trên lỗ sâu.
– Hàn mặt xa răng số 7 sau khi nhổ răng số 8.
Điều trị tủy: Các răng số 7 viêm tủy, viêm quanh cuống chưa có chỉ định nhổ.
Nhổ răng số 7: Khi có chỉ định.
Nhổ răng số 8: Răng số 8 mọc lệch gần đều có chỉ định nhổ tương đối.
Nhổ cả hai răng: Khi răng số 7 có chỉ định nhổ và răng số 8 lung lay độ 3, 4 hoặc vỡ thân không có khả năng làm trụ khi làm răng giả.
Làm chụp răng số 7: Sau khi đã điều trị tủy.
Làm chụp răng số 8.
Điều trị dự phòng
– Nên nhổ răng số 8 hàm dưới mọc lệch gần sớm trước 30 tuổi để đề phòng biến chứng gây tổn thương răng số 7, nhất là khi phát hiện răng số 8 hàm dưới mọc lệch gần có trục lệch từ 45 đến dưới 90o hoặc lệch gần mà tiếp xúc với răng số 7 ở vị trí dưới cổ răng.
– Khi bệnh nhân có răng số 8 hàm dưới mọc lệch gần, điểm cao nhất ngang bằng hoặc hơi cao hơn mặt nhai răng số 7, hở lớn hơn 1/2 mặt nhai, chưa có tổn thương răng số 7, bệnh nhân không muốn nhổ răng thì có thể làm chụp răng số 8 lấp kẽ giữa 2 răng tạo diện cắn đúng với răng hàm trên.
– Tuyên truyền, giáo dục ý thức vệ sinh răng miệng cho mọi người, tuân thủ khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm các bệnh về răng miệng và phòng ngừa biến chứng do răng số 8 mọc lệch.
– Giải thích cho bệnh nhân hiểu được sự cần thiết phải nhổ răng số 8 khi nó mọc thiếu chỗ hoặc mọc lệch gần để tránh những biến chứng.
BSCKII. Phạm Duy Hùng (Viện quân y 103)