Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần

Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần

Bệnh tay chân miệng (TCM) hiện nay là bệnh rất dễ mắc nhất là trẻ dưới 3 tuổi, gây nhiều tác hại đến đến sức khỏe của trẻ, nhất là những trường hợp mắc bệnh TCM do virút EV71. Một trong những thắc mắc mà phụ huynh cũng rất quan tâm đó là trẻ đã bị mắc bệnh TCM rồi có bị tái nhiễm nữa không? Những lần mắc bệnh sau có nghiêm trọng hơn lần trước không?

Có thể bị tái nhiễm nhiều lần

Theo các bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện tuyến chuyên khoa, trẻ có thể bị mắc bệnh TCM lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn vì những lý do như sau:

– Trẻ em và người lớn sau khi bị nhiễm virút gây bệnh TCM, dù có biểu hiện lâm sàng hay không có triệu chứng lâm sàng thì người bệnh ít nhiều vẫn có thể có kháng thể chống lại virút, nhất là virút EV71. Tuy nhiên, lượng kháng thể này không nhiều và không bền vững theo thời gian nên không đủ để bảo vệ trẻ khi có sự lây nhiễm kế tiếp khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây.

– Ngoài hai chủng virút gây bệnh TCM phổ biến ở trẻ em Việt Nam hiện nay là virút EV71 và chủng virút Coxsackie A16 còn có hơn 10 chủng virút thuộc nhóm virút đường ruột (còn gọi là Enterovirus) có thể gây bệnh TCM cho trẻ. Đây chính là lý do trẻ có thể bị mắc bệnh TCM nhiều lần.

– Khi trẻ bị nhiễm bệnh TCM do một chủng virút nào đó, trẻ chỉ có kháng thể chống lại loại virút mà trẻ vừa bị nhiễm. Hoàn toàn không có tình trạng miễn nhiễm chéo giữa các chủng virút gây bệnh TCM ở trẻ.

Mức độ nghiêm trọng ở những lần mắc bệnh tiếp theo

Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh về mức độ nghiêm trọng của những lần tái nhiễm bệnh TCM tiếp theo, có ý kiến cho rằng trẻ mắc bệnh TCM lần sau thường bị nhẹ hơn so với lần mắc bệnh trước đây vì trẻ đã mắc bệnh ít nhiều sẽ có kháng thể giúp tiêu diệt mầm bệnh nếu bị nhiễm lần tiếp theo. Nhiều phụ huynh khác lại cho rằng trẻ bị mắc bệnh TCM lần sau thường bệnh nặng hoặc nghiêm trọng hơn lần trước vì cơ thể trẻ quá yếu nên mới bị tái nhiễm bệnh TCM nhiều lần. Tất cả những ý kiến trên đều chưa có bằng chứng khoa học để xác nhận. Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ từ Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết: thách thức lớn nhất hiện nay đối với giới chuyên môn là vẫn chưa xác định chính xác về độc tính của chủng virút EV71, về sự tương quan giữa chủng virút E71 và các chủng virút khác gây bệnh TCM cho con người với mức độ nghiêm trọng của bệnh, cần tiếp tục thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học sâu hơn, trong đó nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực trong cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.

Theo kinh nghiệm thực tế của các bác sĩ lâm sàng trực tiếp tham gia công tác điều trị bệnh TCM tại những bệnh viện tuyến chuyên khoa, mức độ nghiêm trọng của bệnh TCM thường phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:

– Chủng virút gây bệnh TCM mà trẻ bị nhiễm. Thông thường chủng virút EV71 đang được xem là chủng virút rất nguy hiểm đối với bệnh nhi, nhiễm chủng virút này bệnh nhân dễ xảy ra các biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho biết thêm, số trường hợp tử vong chủ yếu là do virút EV71, cụ thể trong năm 2013 100% trường hợp tử vong của bệnh TCM đều do virút EV71.

– Trẻ càng nhỏ tuổi khi bị nhiễm bệnh TCM càng dễ bị bệnh nặng, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 3 tuổi, nhóm tuổi có sức đề kháng kém nhất, tử vong do bệnh TCM của nhóm trẻ dưới 3 tuổi chiếm tới 75 – 86% trong 3 năm qua.

– Những bệnh nhân có cơ địa miễn dịch yếu kém như trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải (trẻ bị nhiễm HIV/AIDS), trẻ đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch liên tục và kéo dài… Những trẻ này không may bị nhiễm bệnh TCM có nhiều khả năng trẻ sẽ mắc bệnh nặng và nhiều biến chứng.

Phụ huynh cần ghi nhớ trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rõ là những mụn nước, bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc miệng, hiện nay nhiều trẻ bị bệnh không bộc lộ rõ triệu chứng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện trẻ mắc bệnh TCM. Nhiều trường hợp virút gây bệnh đã tấn công vào não bộ, hoặc virút đã gây biến chứng tại các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn nhưng vẫn không có biểu hiện đặc trưng của bệnh.

ThS.BS. ĐINH THẠC