Tiêm phòng sởi như thế nào?

Tiêm phòng sởi như thế nào?

Hỏi: Cháu nhà tôi năm nay 10 tuổi, hiện đang học tiểu học, ở lớp cháu cũng đã có bạn bị bệnh sởi phải nghỉ học. Tôi rất lo cháu sẽ bị nhiễm bệnh vì trước đây cháu chưa được tiêm đầy đủ. Xin báo tư vấn về tiêm chủng phòng sởi cho cháu như thế nào?

Nguyễn Thị Mỹ (Hưng Yên)

>> Có cần tiêm nhắc lại mũi sởi?

>> Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?

>> Những trường hợp nào không nên tiêm vaccin sởi?

Trả lời:

Vaccin sởi có hai loại: vaccin đơn và vaccin phối hợp sởi – quai bị – Rubella để phòng bệnh sởi cho trẻ, vaccin loại phối hợp ngoài sởi còn phòng cả bệnh quai bị và Rubella. Lịch tiêm chủng vaccin sởi cho trẻ em Việt Nam là mũi đầu lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi với vaccin đơn, còn với vaccin phối hợp tiêm mũi đầu khi trẻ 12 tháng tuổi, mũi thứ 2 khi trẻ 4-6 tuổi.

Vaccin sởi là vaccin có độ an toàn khá cao, phản ứng sau tiêm thường là nhẹ như sưng, đau tại chỗ và có thể có sốt nhẹ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phản ứng sốc phản vệ rất hiếm gặp, khoảng dưới 1 phần triệu trẻ được tiêm. Việt Nam đã sử dụng hơn 50 triệu liều vaccin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng nhưng không ghi nhận một trường hợp tai biến nghiêm trọng nào. Chống chỉ định tiêm vaccin cho trẻ có tiền sử dị ứng với thành phần của vaccin như galetin, neomycin, trẻ đang sốt cao và bệnh tiến triển, trẻ bị suy giảm miễn dịch.

Hiện nay đang có dịch sởi tại 18 tỉnh, thành phố trong cả nước nên nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Nếu cháu mới được tiêm một liều thì chị nên đưa cháu đi tiêm thêm một liều nhắc lại ngay nếu cháu không có chống chỉ định gì đặc biệt, có thể tiêm vaccin sởi đơn thuần hoặc vaccin phối hợp sởi – quai bị – Rubella. Nếu cháu chưa được tiêm liều nào thì cần phải tiêm đủ hai liều, liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng.

Vaccin đơn chị có thể cho cháu tiêm miễn phí tại trạm y tế địa phương, còn vaccin phối hợp phải tiêm dịch vụ tại các trung tâm y tế quận, huyện. Chúc chị và gia đình luôn mạnh khỏe!

BS. Đỗ Thị Lệ Quyên