500 câu hỏi của bạn đọc đã gửi đến buổi tư vấn trực tuyến “Phòng chống đột quỵ nguy cơ tử vong hàng đầu” do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng 4-9 với khách mời là ThS-BS Lê Nguyễn Nhựt Tín – BV Chợ Rẫy và BS CKI ngoại thần kinh Trần Chí Cường – BV ĐH Y dược TP.HCM.
Đa số bạn đọc đều nêu ra những dấu hiệu tai biến từ tình trạng huyết áp cao. Mặc dù khẳng định mọi người đều có thể bị tai biến xuất huyết não và nhồi máu não (nguy cơ 20% trong suốt cuộc đời) với nhiều yếu tố nguy cơ do tăng huyết áp, béo phì, xơ vữa mạch, tiểu đường, ít vận động, nghiện rượu… nhưng các bác sĩ khẳng định thêm tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đâu gây đột quỵ. Khi có huyết áp cao, bệnh nhân phải uống thuốc điều trị mỗi ngày, liên tục, cách dùng tùy vào trị số của mỗi bệnh nhân. Mức huyết áp mục tiêu nên dưới 140/80.
Trẻ cũng không thoát
20-30% đột quỵ không xác định được nguyên nhân. Bạn đọc dẫn ra những trường hợp bệnh nhân tử vong trong giấc ngủ, sau khi uống rượu bia hoặc sau một số sinh hoạt bình thường liệu có phải là đột quỵ. Thực tế, nguyên nhân những trường hợp này thường khó xác định, có thể do nhồi máu cơ tim cấp, do ngộ độc chất kích thích, nếu đột quỵ thường là do bị làm tăng huyết áp.
Bạn đọc Hoài Vy hỏi: Cục máu đông từ tim gây nhồi máu, vậy bệnh nhân máu không đông có đột quỵ không? Bác sĩ cho biết bệnh nhân máu không đông có nguy cơ đột quỵ thể xuất huyết nhiều hơn người bình thường.
Tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi tại các bệnh viện ngày càng cao, các bạn trẻ và phụ huynh cần quan tâm đến nguyên nhân bệnh lý tim mạch như bệnh về van tim, các bệnh hệ thống như lupus đỏ hoặc các bất thường về mạch máu với gợi ý là đau đầu thường xuyên hay co giật.
Nói chung, đột quỵ khi xảy ra là hội chứng khó xử lý, việc kiểm soát trước đó vô cùng quan trọng. Mọi người nên đi khám sức khỏe tổng quát để phát hiện các yếu tố có thể điều chỉnh được như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh tim mạch, máu huyết. Trường hợp có động kinh, đau đầu kéo dài cần đến bác sĩ để có chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc CT đa cắt lớp để ngăn chặn đột quỵ.
“Mồi ngon” của đột quỵ
Bạn đọc Trần Trung Trương thắc mắc có phải người nào mập cũng là “mồi ngon” của chứng đột quỵ không. Bác sĩ Lê Nguyễn Nhựt Tín nhắc nhở không phải tất cả, nhưng người béo phì cơ thể dễ có những chuyển hóa tăng đường huyết, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn tăng đông và đường đến đột quỵ “hóa gần”.
Cần có chế độ dinh dưỡng giảm cân với nhiều cá, rau xanh, đạm thực vật, ít mỡ, không ăn quá ngọt để tránh đái tháo đường, ăn nhiều trứng có thể làm tăng cholesterol trong máu. Với bệnh nhân tăng huyết áp cần tuân thủ chế độ ăn lạt, giảm muối. Bên cạnh đó việc uống quá ít nước hoặc mất nước quá nhiều (do bỏng, mất máu) có thể làm cô đặc máu và dẫn đến đột quỵ.
Một số “bợm nhậu” và tín đồ thuốc lá sợ mình bị đột quỵ sớm, BS Trần Chí Cường cũng đồng tình nên từ giã những “sở thích” này càng triệt để càng tốt. Thuốc lá có thể làm xơ vữa động mạch, rối loạn và hoại tử mạch máu, cũng như bia rượu có thể làm tăng huyết áp, rối loạn đông máu, gây độc cho thần kinh… là “sở thích” của đột quỵ.
Các bác sĩ khuyên ngay cả những người trẻ, sức khỏe bình thường, để phòng đột quỵ phải chọn một môn vận động ưa thích, vì ít vận động dễ đưa đến béo phì và các bệnh về mạch máu như huyết khối, tĩnh mạch sâu… Nhưng tại sao ngay cả vận động viên, học sinh học thể dục cũng bị đột quỵ? Lời khuyên của bác sĩ là vận động phải vừa sức, khi mệt phải nghỉ ngơi ngay. Vận động quá sức làm tăng huyết áp có thể vỡ mạch máu não trên những bệnh nhân có bệnh lý như phình mạch máu não, dị dạng mạch máu não, tim mạch. Người lớn tuổi có thể đi bộ khoảng 30 phút đến 1 giờ/ngày sau khi ổn định huyết áp.